TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam hướng dẫn bà con nông dân quy trình sản xuất hoa an toàn.
Tham dự lớp tập huấn có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, cán bộ địa phương cùng 40 học viên của Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương.
Giảng viên trực tiếp đứng lớp có TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (hướng dẫn quy trình sản xuất hoa theo GAP) và cán bộ Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (tập huấn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, sơ cấp cứu).
TS. Võ Mai cho biết: Từ trước tới nay, chúng ta thường nghe nói đến sản xuất rau an toàn, sản xuất trái cây an toàn, tuy nhiên, rau có thể rửa rồi mới ăn, trái cây cũng có thể rửa hoặc gọt rồi mới ăn. Còn hoa, chúng ta có thể đưa lên mũi ngửi trực tiếp, trưng trong phòng ngửi hàng ngày hay dùng trang trí thức ăn. Trong khi đó, trình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hoa hiện nay rất tràn lan, bừa bãi. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người trồng lẫn người tiêu thụ, gây ô nhiễm môi trường.
“Nhận thấy sự cần thiết của việc sản xuất hoa sạch, hoa an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Hội Làm vườn Việt Nam Chi nhánh phía Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức lớp tập huấn sản xuất hoa an toàn theo quy trình VietGAP cho Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương. Đây là câu lạc bộ trồng hoa điển hình và có triển vọng của tỉnh. Tham gia lớp tập huấn, học viên được tập huấn quy trình sản xuất hoa an toàn, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và sơ cấp cứu đối với người bị thương, bị tai nạn trong quá trình sản xuất”, TS.Võ Mai cho biết thêm.
TS.Võ Mai và các cán bộ chuyên môn của tỉnh Bình Dương thăm vườn và hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên trong CLB.
Học viên Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Lớp tập huấn trồng lan an toàn diễn ra trong bối cảnh người dân chỉ mới nghĩ đến lợi ích kinh tế của cây lan mà chưa nghĩ đến sức khỏe của bản thân mình và người tiêu thụ. Tại đây, học viên đã được các giảng viên truyền đạt kỹ thuật trồng trọt, khiến cho nhiều người phải giật mình vì những thiếu sót và tác hại trong việc canh tác thiếu an toàn của người dân trong thời gian qua. Qua tập huấn, chúng tôi thấy quy trình VietGAP không khó, chỉ cần sự kiên trì là sẽ thực hiện được”.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương, ông Đỗ Thanh Phong chia sẻ: “Theo nhu cầu của thị trường hiện nay, Câu lạc bộ nhận thấy sự cần thiết trong xây dựng thương hiệu hoa sạch và an toàn. Bởi vậy, câu lạc bộ đã tổ chức cho các thành viên tham gia lớp tập huấn để được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Sau lớp tập huấn này, chúng tôi sẽ thực hành VietGAP trên vườn lan của câu lạc bộ. Chúng tôi muốn phát triển thương hiệu “Hoa lan đất Thủ” để khẳng định vị trí trong thị trường nội địa và ổn định về giá cả”.
Phát triển hoa lan nằm trong dự án phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh Bình Dương. Do vậy, việc tập huấn sản xuất hoa an toàn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chuyên môn và các ban ngành, đoàn thể tỉnh Bình Dương. Theo ông Đoàn Văn Tràng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bình Dương: “Việc Hội Làm vườn Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lớp tập huấn trồng hoa an toàn và chọn Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương là đơn vị để chuyển giao kỹ thuật là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với câu lạc bộ cũng như ngành trồng hoa của tỉnh. Trong thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xin chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương để mở thêm nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất hoa lan theo quy trình VietGAP để sản phẩm hoa lan của địa phương không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đời sống người dân”.
Thùy Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn