Bảo hiểm nông nghiệp giúp giảm rui ro cho người nông dân.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo 20 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và đại điện các cơ quan thông tấn báo chí.
Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là hết sức đúng đắn, đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản để tiến tới nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Việc triển khai công tác thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ủng hộ và tích cực chỉ đạo thực hiện. Các doanh nghiệp bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh…) có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn trở ngại để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã vào cuộc, theo sát chương trình nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ chế của các bộ, phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và các gương điển hình tiên tiến thực hiện chương trình.
Đánh giá những kết quả bước đầu trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các Bộ, ban ngành và địa phương đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp như: đây là loại hình bảo hiểm mới, phạm vi địa bàn khá rộng, đặc điểm canh tác, nuôi trồng ở các địa phương cũng có sự khác nhau, bệnh dịch, thiên tai xảy ra nhiều. Các hộ dân tham gia chưa được nhiều, đặc biệt là hộ thường (không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo), vì vậy cũng có khó khăn trong việc lấy số đông bù rủi ro theo quy tắc bảo hiểm. Công tác chỉ đạo ở một vài địa phương có nơi, có lúc còn chưa thực sự quyết liệt.
Tại một số địa phương, người nông dân chưa thực sự quan tâm với bảo hiểm nông nghiệp. Tình trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân mang tính chủ quan và cả những nguyên nhân khách quan. Ví như: Tập quán trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân nước ta, thói quen sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún đã được hình thành từ bao đời nay; Thói quen ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; Ý thức của người dân chưa cao; Nhiều quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, các sản phẩm bảo hiểm đưa ra trong chương trình thí điểm chưa đáp ứng được hết nhu cầu của tất cả người dân do tính chất vùng miền, khác biệt ở từng địa phương.
Trước đó, tại hội thảo “Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tổ chức, ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) đã chỉ ra rằng: Trên thực tế, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam mới đang trong những bước đi chập chững, cần có nhiều điều chỉnh từ hệ thống chính sách đến cách thức thực hiện. Sự chậm trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã gây lúng túng cho công ty bảo hiểm, ban chỉ đạo các cấp và người dân.
“Dù được triển khai từ năm 2011, nhưng mãi đến tháng 8/2012, khi Thông tư 43 sửa đổi một số điều của Thông tư 47 về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm nông nghiệp được ban hành, các doanh nghiệp mới bớt lúng túng. Như vậy, thực chất quá trình triển khai thí điểm chỉ khoảng 1,5 năm (năm 2014 là kết thúc thí điểm). Đó là chưa kể, bộ máy triển khai quá cồng kềnh, quá nhiều ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong khi thực tế chỉ có một số cán bộ và doanh nghiệp tham gia. Thủ tục chứng nhận bảo hiểm cũng phức tạp, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, ví dụ, muốn xác nhận một con bò chết phải xin đến 5 – 6 chữ ký, trong đó có chữ ký của chủ tịch UBND xã mà không phải lãnh đạo xã nào cũng có trình độ thú y. Chúng ta cũng thiếu các cơ sở xét nghiệm và chứng nhận bệnh tại địa bàn xảy ra dịch bệnh đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm khó nhận biết lâm sàng” - ông Thắng nói.
Nói như vậy để thấy rằng, bảo hiểm nông nghiệp chính là một trong những chủ trương lớn mà Đảng và Chính phủ đề ra nhằm hỗ trợ người nông dân quản lý rủi ro, bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn không ít vướng mắc, tồn tại xuất phát từ hai phía, người nông dân lẫn các nhà hoạch định chính sách đòi hỏi cần tháo gỡ.
Kết quả thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sau 3 năm triển khai thực hiện theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: - Về số lượng hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm: Trong 3 năm triển khai có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp. - Về tổng giá trị được bảo hiểm: Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỉ đồng, trong đó cây lúa là 2.151 tỉ đồng, vật nuôi là 2.713,2 tỉ đồng, thủy sản là 2.883,7 tỉ đồng. - Về doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp: Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394.000 triệu đồng, trong đó, thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,37%); cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,33%); vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3%). - Về bồi thường bảo hiểm: Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỉ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%. Trong đó, thủy sản là 669,5 tỉ đồng (chiếm 95,4%); cây lúa là 19 tỉ đồng (chiếm 2,7%%); vật nuôi là 13,3 tỉ đồng (chiếm 1,9%). |
Thanh Ngọc
Nguồn petrotimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn