Mực tươi và đông lạnh Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Israel
Trừ mức sụt giảm trong tháng 2, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Israel tăng liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay. Quý III/2017, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng trưởng tốt 85% đạt 2,9 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc sang Israel đạt 6,5 triệu USD, tăng 92,4% so với cùng kỳ năm 2016. Israel đang là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 1,4% tổng XK mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường.
Israel hiện là thị trường nhập khẩu mực lớn thứ 7 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Israel chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm mực của Việt Nam, đặc biệt là mực tươi sống và đông lạnh. So với cùng kỳ năm 2016, năm nay xuất khẩu các mặt hàng mực của Việt Nam sang Israel đều tăng. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực tươi sống và đông lạnh chiếm tới 91% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này. Tiếp đến là mực chế biến khác chiếm khoảng 8%. Năm nay, Việt Nam đã XK thêm được mực khô nướng và sấy sang thị trường này, tuy nhiên giá trị xuất khẩu còn rất khiêm tốn.
Mặc dù tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam nhưng Israel đang có xu hướng ngày càng giảm xuất khẩu từ các nước khác trên thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu dòng sản phẩm này của Israel trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1,4 triệu USD, giảm 47,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm nay, Israel có xu hướng giảm nhập khẩu mực đông lạnh/khô/muối; mực tươi/sống/ướp lạnh; bạch tuộc chế biến trong khi tăng nhập khẩu mực chế biến; bạch tuộc tươi/ sống/ ướp lạnh; bạch tuộc đông lạnh/khô/muối. Nhập khẩu mực chế biến và bạch tuộc tươi/ sống/ ướp lạnh của nước này trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng lần lượt 196% và 310% so với cùng kỳ.
Israel hiện đang nhập khẩu mực, bạch tuộc từ 7 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam hiện đang là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho thị trường này, tiếp đến là Đài Bắc (Trung Quốc) và Ấn Độ. Các nước này lần lượt chiếm thị phần 58,2%, 14,9% và 13,8% trong 7 tháng đầu năm nay.
Israel được đánh giá là thị trường có tiềm năng vì nền kinh tế định hướng thị trường, đang có xu hướng phát triển tốt. Người tiêu dùng Israel ngày càng quan tâm đến chất lượng và giá cả sản phẩm. Đối với sản phẩm mực đông lạnh, Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường này với thị phần chi phối, giá xuất khẩu cạnh tranh.
Trong 2 năm qua, giá trung bình xuất khẩu mực đông lạnh của Việt Nam sang Israel dao động ở mức trên 5,8 USD/kg, trong khi giá mực đông lạnh của Trung Quốc tại thị trường này từ 6,5 – 8,6 USD/kg, giá sản phẩm của Thái Lan cũng ở mức trên 6,3 USD/kg. Tuy giá mực của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Việt Nam, chỉ ở mức 3,6 – 3,7 USD/kg, nhưng với mức thuế nhập khẩu 30%, mực Ấn Độ khó có thể cạnh tranh với Việt Nam khi mực Việt Nam có mức thuế 11,67%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn