Thủ tướng đi thăm vười ổi của Tổ hợp tác thuộc xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 24/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đến thị xã Long Khánh để thấy rõ hơn thực tế xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.
Theo cảm nhận của phóng viên, ấn tượng đầu tiên khi vào địa phận Long Khánh là đường xá liên thôn, liên xã rộng rãi, hoàn toàn được trải nhựa; cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, văn hóa) và nhà cửa của người dân khang trang, bờ rào là những bụi hoa giữ nét đặc trưng của một vùng quê miền Đông Nam Bộ.
Điều đáng chú ý nữa là năng lực sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây đã thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mà một trong những biểu hiện dễ thấy là những hàng cây cao su, cây ăn quả chạy ngút tầm mắt bên những sườn đồi.
Vào thăm HTX Bình Lộc, nơi hợp tác sản xuất của những nông dân trồng chôm chôm (với tổng diện tích 14,6 ha, trong đó có hơn 13 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap), ông Phùng Thanh Tâm, Chủ nhiệm HTX báo cáo với Thủ tướng và Phó Thủ tướng những kết quả sản xuất, kinh doanh gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ của các xã viên.
Ông Tâm cho biết Long Khánh là vùng đất khô hạn nên tưới tiêu là vấn đề khó khăn. Nhờ sự trợ giúp của chính quyền, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại nên đạt nhiều kết quả khả quan.
Vừa nói, ông Tâm vừa mở chiếc điện thoại di động và làm một số thao tác điều khiển hệ thống tưới tiêu trong vườn hoạt động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm một khu trồng dưa thuộc Trung tâm CNSH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ thị xã Long Khánh cho biết không chỉ ông Tâm mà nhiều người ở Long Khánh và huyện Xuân Lộc đã áp dụng công nghệ tưới nước này, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiêm chi phí và nhân công.
Báo cáo với Thủ tướng và Phó Thủ tướng, ông Phùng Thanh Tâm cho biết trong nhiều năm qua, đời sống của xã viên được đảm bảo; hoạt động của HTX do chính các xã viên điều hành, chính quyền chỉ hỗ trợ về chính sách và giám sát việc hoạt động đảm bảo đúng pháp luật. Điều này đã làm tăng tính chủ động, năng động của HTX.
Còn tại Tổ hợp tác trồng ổi theo chuẩn VietGap ở xã Bảo Quang, ông Huỳnh Văn Hưng cho biết doanh thu ổi đạt 560 triệu đồng/ha trong thời gian 9 tháng. Cũng giống như ở HTX Bình Lộc, Tổ hợp tác này cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nên luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân kể cả khi giá thị trường có thay đổi.
Thị xã Long Khánh được biết đến là địa phương luôn ưu tiên cho ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và càng thuận lợi hơn khi Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở KH&CN) đứng chân trên địa bàn.
Với diện tích hơn 200 ha, Trung tâm đang được xây dựng để trở thành nơi cung cấp các giống cây trồng, hoa kiểng theo thị hiếu của thị trường và là nơi giới thiệu và nhận chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân. Trong thời gian này, hàng chục ha dưa lê, dưa leo đang được Trung tâm chuẩn bị thu hoạch nhằm cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thủ tướng tới thăm Trung tâm CNSH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thăm Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đồng Nai đã thực hiện và cho rằng những trung tâm như vậy cần nhân rộng ra ở các địa phương khác trên cả nước, trong đó, tập trung vào việc tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại cho nông dân.
“Nông nghiệp muốn phát triển được thì phải ứng dụng KHCN”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành cần phải tạo ra cơ chế để thu hút các nguồn lực khác đầu tư cho công nghệ sinh học về nông nghiệp.
Theo: baodongthap.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn