Chuyện Tô Võ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã là một đề tài nghệ thuật, cho nhiều tranh tượng, và điệu hát dân gian.
1. Thời Hán Vũ Đế (141 – 87 trCN), Tô Võ đi sứ Hung Nô, bị vua Thuyền Vu bắt giữ, đày lên miền Bắc Hải chăn dê, hẹn khi dê đực đẻ con mới được phóng thích, và loan tin Tô Võ đã chết. Mười chín năm sau, Hồ Hán giảng hòa, sứ nhà Hán bịa đặt chuyện vua Hán nhận được thư Tô Võ buộc vào chân nhạn, Thuyền Vu hoảng sợ mới trả Tô Võ. Trong cõi lưu đày.
Chuyện Tô Võ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã trở thành một đề tài nghệ thuật cho nhiều tranh tượng và điệu hát, truyện dân gian. Vị vua anh minh, nhà thơ Lê Thánh Tông (1442 - 1497) của Việt Nam đã có hai bài Vịnh Tô Võ, trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập.
"Biển Bắc xuân chầy dê chẳng nghén/ Trời Nam thu thẳm nhạn không thông".
2. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cũng có một người được cử đi sứ làm công tác ngoại giao trong một thời gian rất dài. Phải chăng đây là trường hợp “độc nhất vô nhị”, một kỷ lục hiếm có trong lịch sử bang giao của nước ta? Đó là Hoàng giáp Lê Quang Bí.
Lúc được cử đi sứ, Lê Quang Bí mới 41 tuổi, tóc còn xanh mà lúc trở về nước, ông tròn 60 tuổi, đầu tóc đã bạc trắng.
Lê Quang Bí sinh năm Bính Dần (1506), hiệu là Hối Trai, không rõ mất năm nào. Ông là con của Trạng nguyên Lê Nại, cháu bốn đời Lê Cảnh Tuân, đỗ tiến sĩ năm thứ 5, niên hiệu Tống Nguyên đời Lê Cung Hoàng (1526) - một năm trước khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê. Ông là người thuộc xã Mỗ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mỗ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng nguyên quán lại ở xã Lão Loạt, huyện Thuận Hựu (nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá).
Năm 27 tuổi, cha của Lê Quang Bí đã đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ - đệ nhất danh Trạng nguyên trong khoa thi lấy đỗ 55 tiến sĩ ở khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505) đời Lê Uy Mục. Đặc biệt là cha ông thi cả năm trường đều đỗ thủ khoa, được làm đến chức Hữu thị lang bộ Hộ. Khi cha ông mất, còn được truy tặng tước Đạo Trạch Bá.
Cũng như cha, Lê Quang Bí là người rất thông minh và học giỏi. Đến năm 20 tuổi, ông dự khoa thi đình được tổ chức vào tháng tư, năm Bính Tuất (1526) – niên hiệu Thống Nguyên năm thứ 5, đời Lê Hoàng Đệ Xuân. Đề bài thi đình là một bài văn sách hỏi về các bậc thánh nhân trị thiên hạ. Khoa thi này lấy đỗ 20 người. Lê Quang Bí đã đỗ Hoàng giáp, đứng thứ tư.
Năm Mậu Thân, niên hiệu cảnh lịch thứ nhất (1548), Mạc Phúc Nguyên là con cả của Mạc Phúc Hải, cử Lê Tiến Quy làm Chánh sứ và Lê Quang Bí làm phó sứ, sang sứ nhà Minh cầu phong. Vua Minh nghi ngờ là giả dối, giam Lê Quang Bí ở Nam Ninh suốt 19 năm mới được về nước. Sở dĩ có sự trắc trở đó là vì khi vua Mạc tiếm ngôi, một số bề tôi nhà Lê và sau đó là Nguyễn Kim sai người sang tố cáo với vua nhà Minh, và nhà Minh có lúc đã định đánh Mạc.
Trong suốt 19 năm đi sứ bị giam giữ, Lê Quang Bí vẫn luôn giữ gìn phẩm hạnh và kỷ cương phép nước, không làm ô danh cho tổ quốc mình.
Năm Bính Dần, niên hiệu Sùng Khang thứ nhất (1566) đời Mạc Hậu Hợp ông về nước. Ngày 25 tháng Giêng năm ấy, họ nhà Mạc sai Lại Bộ thượng thư kiêm Đông Các đại học sĩ Kế Khê bá Giáp Hải, và Đông các hiệu thư Là Phạm Duy Quyết, lên tận đầu địa giới Lạng Sơn để đón sứ thần Lê Quang Bí.
Về đến Tổ quốc, Lê Quang Bí được Mạc Hậu Hợp phong cho chức thượng thư, lại phong cho tước Tô Xuyên Hầu, ví ông với vị trung thần nhà Hán là Tô Võ.
Ngoài tác phẩm chính, gồm một số bài thơ trong cuốn “Tư lương vận lục” (ông viết theo đề tài lịch sử và hoài cổ), thì tương truyền trong thời gian bị giữ lại ở Nam Ninh, Lê Quang Bí còn sáng tác tập thơ “Tô Công Phụng sứ”, gồm 24 bài Đường luật, thuật lại chuyện Tô Võ đời nhà Hán đi sứ sang Hung Nô, để gửi gắm tâm sự của mình.
Xin giới thiệu bài thơ Bắc Hải chăn dê của Lê Quang Bí:
"Cờ sứ vững cầm một cán không, Mười thu nghìn dặm, tiết cô trung.
Đất Hồ, sương tuyết gầy mình hạc,
Đền Hán, ngày đêm nhớ mặt Rồng.
Bể Bắc ngày chầy dê chưa đẻ,
Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không
Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá,
Bia tạc muôn đời tượng tướng công."
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn soạn năm 1759), do Lê Mạnh Liêu dịch năm 1973, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội in năm 1978.
2. Lần theo dấu xưa, của tác giả Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2001.
Nguồn: danviet.vn