Năm 2004, được Nhà nước cho vay 30 triệu đồng không lãi trong vòng 2 năm và địa phương cho thuê mặt bằng 20 năm, ông Trần Văn Hòa tại xã Nam Nghĩa (Nam Đàn) đầu tư 200 triệu xây dựng CSGM. Nhờ người dân dần bỏ được thói quen giết mổ tại nhà và địa phương vào cuộc quyết liệt, nên mỗi ngày đêm ông giết mổ được 10-15 con lợn, 5 con bò, bê. CSGM của ông Hòa cân đối được thu chi, có lãi.
Cơ sở của ông Trần Văn Hòa là “điểm sáng” hiếm hoi về hoạt động giết mổ tập trung tại Nghệ An |
Năm 2014, ông được dự án Lifsap hỗ trợ thêm 30.000 USD, ông xây dựng hầm biogas 50 m3, bể lóng mỡ, bể ngăn tự hoại, bể chứa nước… Vì thế, dù ở khá gần khu dân cư nhưng CSGM của ông không gây ô nhiễm. Nhờ được đầu tư đồng bộ, từ 2014 công suất cơ sở được nâng lên 50 con lợn, 50 con dê + bê/ngày đêm… Ngoài lao động của gia đình, ông tạo công ăn việc làm cho 2 người nữa với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Ông Hòa phấn khởi nói: “Nhờ chính quyền vào cuộc quyết liệt nên gần như 100% gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn các xã lân cận đều được đưa vào CSGM của tôi. Giờ thì có đuổi họ cũng cứ đưa gia súc vào đây giết mổ, bởi chỉ giết mổ ở cơ sở của tôi mới được đóng dấu chứng nhận kiểm dịch. Trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình tôi còn lãi ròng 15 - 20 triệu đồng”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Nam Đàn có 3 CSGM tập trung, toàn tỉnh có 49 cơ sở đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, xét về công suất thì CSGM của ông Hòa đứng đầu. Những CSGM khác, hoặc chủ cơ sở tận dụng mặt bằng để giết mổ đông lạnh cung cấp cho các siêu thị, hoặc hoạt động èo uột, thực chất tập trung giết mổ hơn là giết mổ tập trung.
Tính đến hết năm 2016, theo báo cáo của các huyện, thị, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được quy hoạch của Nghệ An đến năm 2020 là 110 cơ sở.
Đến nay, cả đầu tư xây mới, cả nâng cấp, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 49 CSGM hoạt động. Đa phần hoạt động cầm chừng, lợi nhuận thấp nên các chủ cơ sở không mấy mặn mà. Rào cản lớn nhất là thói quen giết mổ gia súc gia cầm của người dân chưa chuyển biến. Để khuyến khích người dân đưa động vật vào giết mổ, chủ các CSGM buộc phải hạ giá giết mổ mỗi đầu con xuống. Và như thế, lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm.
Gia súc được quản lý, theo dõi trước khi giết mổ tại CSGM của ông Hòa |
Theo ông Nguyễn Hữu Quốc, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nam Đàn thì UBND huyện có đề án xây dựng 9 CSGM tập trung giai đoạn 2017-2020. Thế nhưng, việc thu hút đầu tư rất khó khăn do còn một số vướng mắc nhất định như chính sách thuê đất cứng nhắc. Chủ đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, tác động môi trường của dự án. Trong khi đó, họ chủ yếu là hộ cá thể, năng lực tài chính yếu.
Đồng bằng, trung du đã khó, việc xây dựng các CGGM tập trung ở các huyện vùng núi cao lại càng khó hơn. Vì thế, không ít địa phương tại Nghệ An không có CSGM tập trung. Đơn cử như huyện Tương Dương, sau khi kế hoạch triển khai 2 CSGM giai đoạn 2010 - 2015 thất bại, UBND huyện này chuyển sang thực hiện vào giai đoạn sau nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ sở nào.
“Cty TNHH Phúc Đức là chủ đầu tư CSGM tập trung. Tuy nhiên, sau khi hạch toán, dù có dự án Lifsap và Nhà nước hỗ trợ nhưng dự tính số lượng gia súc gia cầm đưa vào giết mổ thấp nên họ sợ không cân đối được thu chi. Vì thế, doanh nghiệp đang chần chừ, chưa triển khai dự án”, ông Mai Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tương Dương cho biết.
Nghệ An là tỉnh đông dân, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đàn vật nuôi luôn ở tốp đầu cả nước. Theo thống kê, mỗi năm Nghệ An có khoảng 700 ngàn con trâu, bò (kể cả bò sữa), khoảng 1 triệu con lợn và 20 triệu gia cầm được người dân và chủ trang trại chăn nuôi cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, với 49 CSGM tập trung đang hoạt động, công suất thấp thì tỷ lệ sản phẩm động vật đưa vào các CSGM tập trung và được kiểm soát thú y đạt thấp. Đây thực sự là nỗi lo lớn cho ngành chăn nuôi và cũng là khâu yếu trong việc kiểm soát ATVSTP tại Nghệ An. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn