Vốn nhỏ “đẻ” tài sản lớn
Từ Đà Nẵng lên Sa Bình lập nghiệp với việc chạy xe thuê, thu nhập quá bấp bênh, Nguyễn Phước Nên rất muốn trở lại làm nông nhưng khổ nỗi không lấy đâu ra vốn. Đang bí thì được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng. Suy đi tính lại, Nên quyết định lấy chăn nuôi bò làm khâu đột phá. Năm 2006 giá bò còn khá rẻ, Nên mua được 4 con. Còn thừa chút vốn, Nên thuê đất trồng mì (sắn)… Hiện, vợ chồng Nên đang có trang trại trồng 1.600 cây cà phê; 2ha cao su, 1.500m2 ao cá và đàn bò 4 con với tổng giá trị ước 2 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, sau 10 năm, anh Nguyễn Phước Nên ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã gây dựng được trang trại tổng hợp. Ảnh: Q.D
Về hiệu quả kinh tế, nếu nuôi bò vỗ béo, người dân sẽ lãi khoảng 40% năm, chưa kể nguồn phân bón. Từ 1 con bò giống ban đầu ít nhất người dân cũng sẽ tăng số lượng lên gấp 3 sau 5 năm...”. Ông Lê Ái - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sa Thầy
|
“Vợ chồng tui đã miệt mài vắt sức cải tạo đất cũ, mua thêm đất mới. Nếu ví vốn ngân hàng là cần câu thì việc Hội ND hướng dẫn, cho tham gia tập huấn kỹ thuật như là bày cho cách câu” - anh Nguyễn Phước Nên thổ lộ.
Từ nghèo khó mà trở nên khá giả như Nguyễn Phước Nên đúng là trường hợp đặc biệt. Nhưng ở xã Sa Bình này nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH mà thoát nghèo thì rất nhiều… Ông A Jiêng (thôn K’Bầy) nhờ có vốn Ngân hàng CSXH mà từ mấy sào đất rẫy khô cằn đã cải tạo trồng cỏ, gây dựng mô hình nuôi bò. Thu nhập từ đàn bò, ông tích cóp mua được 2ha cà phê và 2,5ha cao su. Cùng thôn K’Bầy, ông A Lua từ tài sản gần như không có gì đáng giá, nhờ được vay vốn ưu đãi cũng đã gây dựng được đàn bò sinh sản 6 con. Hay như A Thiểu ở làng Kuk Năng, bà con ví là “nghèo hết biết” trước đây thì giờ cũng đã có được 4 con bò gây được từ vốn ưu đãi…
Xã nghèo thành xã điểm
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Thuận cho biết, Sa Bình là xã đặc biệt khó khăn. Xã có 1.200 hộ thì hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm 58%. Để phù hợp với điều kiện tự nhiên đất đai xấu, khí hậu khắc nghiệt, xã đã định hướng phát triển kinh tế chính là chăn nuôi bò. Thực tiễn cho thấy sự lựa chọn của địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Đàn bò từ 500 con năm 2009 đến nay đã lên đến 1.600 con, trong đó có 600 con bò mẹ sinh sản. Đặc biệt, 95% số hộ đồng bào DTTS của xã hiện đã gây dựng được mô hình nuôi bò và phần lớn được vay vốn Ngân hàng CSXH.
Sa Bình hiện là xã có số dư nợ Ngân hàng CSXH ở mức cao thứ 2 trên toàn huyện Sa Thầy với tổng vốn lên tới 29 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vốn này đều tập trung cho hộ vay đầu tư chăn nuôi bò. Nuôi bò đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là công cụ xóa đói giảm nghèo đắc lực…“Điều đáng nói là không chỉ cho vay vốn, trong đa số trường hợp, cán bộ tín dụng và cán bộ Hội đoàn thể tư vấn hiệu quả cho bà con về cách thức nuôi bò. Số điện thoại tư vấn được viết sẵn trên mỗi chuồng bò, khi bò gặp sự cố là dân gọi ngay để chính quyền phối hợp với ngân hàng xử lý...”- ông Nguyễn Minh Thuận cho hay.
Theo ông Lê Ái – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sa Thầy, tín dụng ưu đãi sẽ tiếp vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhân rộng mô hình nuôi bò. Ông Ái cũng là người đề xuất và theo dõi mô hình vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi bò của bà con nông dân huyện Sa Thầy từ nhiều năm nay.
Theo Quốc Dinh/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn