Trước khi đến địa phương để phổ biến trồng ớt cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, doanh nghiệp đã đứng ra cung ứng giống, làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Bà con nông dân tin lời doanh nghiệp, trồng ớt đại trà trên diện rộng. Đến mùa ớt chín chín đỏ đồng thì doanh nghiệp hẹn rày, hẹn mai không chịu về thu mua như đã hứa.
Doanh nghiệp “thất hứa” nông dân khổ
Những cánh đồng ớt ở Phong Hiền, Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc (huyện Phong Điền) dù đã đến ngày thu hoạch, người dân trông chờ người của Công ty Tân Phú Quang (tỉnh Quảng Nam) về thu mua nhưng vẫn không thấy đâu.
Ngồi thẫn thờ bên đóng tài sản chẳng biết bán tháo cho ai, ông Thân Ngọc Lễ (thôn An Lỗ, xã Phong Hiền) ngáo ngán cho biết : “Ớt đã quá chín rồi, chạy lên xã kêu nhiều lần mà không thấy người công ty về mua nên tui đành để liều trên ruộng, không thèm thu hoạch làm gì.
Trước đây công ty về làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đại diện các đội sản xuất, các hợp tác xã thì họ hứa khi nào ớt chín sẽ về mua nhưng giờ lại không thấy đâu cả”.
Gia đình ông Lễ được xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích 2 sào trồng lúa sang trồng ớt cao sản xuất khẩu. Khi xã vận động, bà con đều nhiệt tình tham gia bởi tính hiệu quả trên đơn vị sản xuất, trồng ớt cao sản hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, đậu, rau màu.
Nhưng giờ công ty không thu mua, người dân đứng ngồi không yên khi ớt càng chín giá trị mặt hàng nông sản này càng giảm. “Nếu biết trước bà con nông dân sẽ không hưởng ứng làm chi. Hai sào đất của tui trồng lúa cũng được 6 tạ, có cái mà ăn hơn”- Ông Lễ bức xúc.
Ông Trần Đức Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền - cho biết: Chương trình trồng ớt cao sản xuất khẩu được triển khai vào tháng 1/2014, do Công ty Tân Phú Quang có địa chỉ tại Quảng Nam giao cho HTX NN Lam Dương (Quảng Nam) trực tiếp về vận động người dân trồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.200 đồng/kg.
Họ tạm ứng cho bà con nông dân tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Trước đây, năm 2013, Công ty này đã về cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con một lần rồi, thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác nên địa phương đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Toàn xã có gần 8 ha ớt cao sản xuất khẩu, trong đó ngoài diện tích trồng ớt truyền thống thì hơn 6 ha còn lại đều chuyển đổi từ các loại cây trồng như sắn xen lạc, mía, rau màu.
"Thực tế địa phương cũng rất mệt mỏi trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều lần họp mới đi đến thống nhất. Riêng cá nhân tôi, là Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, khi công ty không về mua ớt chín như đã cam kết, bà con cứ lên xã, chạy thẳng về nhà tôi than vãn, trách móc từ sáng cho đến nửa đêm.
Địa phương đã nhiều lần liên lạc yêu cầu thực hiện đúng cam kết, thu mua cho bà con nhưng phía Công ty cứ lần lữa mãi với nhiều lý do không thu mua nên đành chịu” - Ông Thiện chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền - thông tin: Vụ Đông Xuân năm nay toàn huyện đưa vào trồng 60 ha ớt.
Ngoài giống ớt của địa phương, huyện đã triển khai trồng ớt cao sản xuấT khẩu hơn 20 ha, tập trung ở các địa phương như Phong Hiền, Điền Lộc, Phong Chương, Điền Hương do Công ty Tân Phú Quang cung ứng giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ớt đỏ đồng, nông dân kêu trời
Ông Dũng cho biết thêm: Sau nhiều lần lẢng tránh, ngày 16/5, đại diện phía Công ty Tân Phú Quang đã có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền về việc thu mua ớt cao sản cho người dân.
Đại diện Công ty đã đưa ra lý do do thị trường biến động nên thương lái Trung Quốc không thu mua ớt cao sản nữa làm Công ty gặp khó khăn; nhiều địa phương khác trồng ớt nhiều nên mặt hàng này bị ứ đọng.
Họ cũng đưa ra hai phương án mới, một là thu mua ớt mức giá mới chỉ 4.000 đồng/kg; hoặc sẽ hỗ trợ cho người dân 500 nghìn đồng/sào ớt.
Về vấn đề này, ông Dũng nêu quan điểm: “Hiện đa số diện tích ớt trên địa bàn huyện đã thu hoạch gần xong, bà con nông dân cũng đã đồng ý với phương án hỗ trợ 500 nghìn đồng/sào.
Phía doanh nghiệp đưa ra phương án đó cũng đã thể hiện sự “thiện chí” của họ rồi. Đơn vị này đã từng triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu ở địa phương. Về lâu dài, đơn vị khó khăn, bà con cần chia sẻ với doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, người dân trồng ớt tại huyện Phong Điền vẫn chưa đồng ý với phương án trên. Người dân bức xúc với sự bội tín của Công ty Tân Phú Quang.
Ông Lê Hùng ở thôn An Lỗ bức xúc: “Việc chậm thu mua, đòi thu mua với mức giá thấp hơn đã cam kết đã làm thiệt hại cho bà con nông dân chúng tôi.
Giờ ớt đã chín lâu ngày, chất lượng ớt giảm. Công ty không thu mua, buộc bà con phải thu hoạch mang đi phơi, đúng vào vụ mùa lúa nên rất chật vật.
Vả lại, đây là ớt cao sản, đặc tính không cay, nếu mang phơi khô, giã làm ớt bột bán cũng không được giá. Bà con phải trộn thêm ớt địa phương vào mới bán được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Ghi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty - cho rằng: “Chúng tôi không thu mua ớt của người dân Phong Điền là do thời tiết ở Huế khắc nghiệt, làm trái ớt bị hong khô không đảm bảo chất lượng.
Thời gian này đồng loạt các vùng khác cũng thu hoạch ớt nên số lượng quá lớn, doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua. Sắp tới sẽ đền bù cho người dân. Hiện người dân Phong Điền bán ớt ra ngoài thị trường vẫn không bị lỗ”.
Cũng theo các hộ dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả chưa thấy đâu nhưng đã gây ra những xáo trộn trong sản xuất, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân tại huyện Phong Điền
Ớt đã chín, công ty không thu mua gây thiệt hại cho bà con nông dân xã Phong Hiền |
|
|
Minh Ngọc
Nguồn giaoducthoidai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn