Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa phê duyệt đề án bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, mục tiêu của đề án là nhằm kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm trên toàn quốc phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và sản phẩm xuất khẩu, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm đối với nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm đồng thời kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm của hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, việc thực hiện đề án sẽ nhằm kiểm soát được tình hình vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật. Đối với các thành phố lớn đảm bảo có trên 95% động vật bị giết mổ, vận chuyển và sản phẩm động vật được kiểm soát, ở các tỉnh đồng bằng là 80% và ở các tỉnh còn lại là 70%.
Qua đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu, từ năm 2014-2016, các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và các cam kết quốc tế.
Mặt khác, các đơn vị cơ sở cần tăng cường năng lực phòng thí nghiệm về an toàn thực phẩm để phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận với các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ và vận chuyển, xây dựng và nhân rộng mô hình giết mổ áp dụng GHP (quy phạm làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh), GMP (thực hành sản xuất tốt), HACCP (hệ thống phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát mức độ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm)…
Về thông tin tuyên truyền, các địa phương cần tăng cường phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm giết mổ tươi sống và các tổ chức xa hội nhằm góp phần tích cực vào thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thịt, sản phẩm thịt…
Ngoài ra, các đơn vị tiến hành kiện toàn việc thành lập phòng chức năng để củng cố hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng quản lý từ trang trại đến bàn ăn theo từng chuỗi ngành hàng từ Cục Thú y cho tới các chi cục thú y theo sự phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đó, Cục Thú y là đơn vị chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án và nhiệm vụ đã đề ra đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện./.
Theo Vietnamplus.vn