Theo báo Chính phủ, vụ vải năm nay, toàn bộ diện tích vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà sẽ được dán tem mã QR.
Đại diện Trung tâm Doanh nghiệp và Hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật về dán tem QR cho quả vải Thanh Hàcho biết bằng smartphone có kết nối internet và đã được cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải.
Mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm. Dán tem QR là yêu cầu cần thiết do năm nay, quả vải muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (qua cửa khẩu Quảng Tây) buộc phải dán tem QR.
Tem QR được coi là cam kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng về chất lượng. Hầu hết các quả vải được dán tem đều có xuất xứ từ các vùng được trồng theo quy chuẩn an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Để tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu tháng 4, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã gửi văn bản đến các ngành, địa phương của tỉnh để hướng dẫn về thủ tục trong truy xuất nguồn gốc, bao gói bảo quản vải, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Chủ động cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại, chất lượng, chủ vườn, chủ thu gom tới các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu trong cả nước để kết nối cung - cầu.
Theo báo Hải Dương, ông Vương Hồng Hưng, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Hải Dương) cho biết: "Khi thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải Thanh Hà, đòi hỏi mỗi nông dân phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm các quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm. Việc dán tem này cũng là cách để khẳng định chất lượng và thương hiệu vải Thanh Hà".
Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại, vải sau khi được dán tem truy xuất nguồn gốc được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Giá bán vải được dán tem truy xuất nguồn gốc cũng cao hơn ít nhất 10% so với vải không được dán tem.
Có thể nói việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp cả người nông dân, doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng được hưởng lợi. Người trồng vải xây dựng được uy tín đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp thu mua có sự cam kết về chất lượng của người bán nên dễ dàng tiêu thụ. Đặc biệt, đây còn là công cụ giúp các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng phân biệt được vải Thanh Hà với vải được trồng ở các vùng khác.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề thu mua vải để xuất khẩu, trong đó có một số doanh nghiệp mới từ miền Nam. Ngoài thị trường truyền thống, năm nay quả vải tiếp tục có cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, Nam Phi, Trung Đông…
Sau vụ vải này, các cơ quan chức năng của tỉnh dự kiến sẽ nhân rộng dán tem truy xuất nguồn gốc cho nhiều loại nông sản khác của tỉnh. Đây cũng là giải pháp tốt để khuyến khích sản xuất sạch, đồng thời giúp nâng thương hiệu và tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Hải Dương.
Tác giả bài viết: Hồng Minh
Nguồn tin: thuonghieuvaphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn