Chiều 8/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2013- 2018; nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2018- 2020.
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay, các chỉ tiêu cơ bản của ngành NN& PTNT đến cuối năm 2017 đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, mục tiêu Đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 6593/QĐ-UBND tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phú Hương Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; xác định rõ hơn định hướng phát triển gắn với thị trường tiêu thụ; từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp giai đoạn 2013-2017 tăng trưởng khá, ổn định, đạt bình quân 4,52%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.
Đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và trở thành xu thế phát triển tất yếu; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn,... góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan. Ảnh: Phú Hương Đến nay, toàn tỉnh đã có 181/431 xã và 3 huyện đạt chuẩn NTM; đầu tư hạ tầng KT - XH trong nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ. Năm 2017, thu nhập đầu người khu vực nông thôn tăng 1,42 lần và tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,24% so với năm 2013.
Tại cuộc họp, đã có 14 ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành liên quan vào dự thảo. Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Sở NN&PTNT cần tiếp thu ý kiến góp ý, nghiêm túc đánh giá để bổ sung cụ thể từng nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020; bổ sung giải pháp khắc phục các vấn đề còn hạn chế.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt Chương trình phát triển hạ tầng trọng yếu, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm; Chương trình phát triển nông - lâm - ngư gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch giai đoạn 2016-2020 hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Trồng rau mùi tàu VietGAP tại xã Diễn Thái, Diễn Châu, Ảnh: Phú Hương Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cần bổ sung thêm một số phụ biểu về những sản phẩm chủ lực mà Nghệ An xây dựng được sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu; phải cập nhật số liệu mới và chính xác hơn, tránh tình trạng nêu chung chung...