Tin tức trên báo Tuổi trẻ, Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết trong năm 2015 đã lấy mẫu kiểm tra 417 trang trại, phát hiện gần 50 trang trại nuôi heo có sử dụng chất cấm (nhóm Beta-agonist, chiếm hơn 12%).
Những trại vi phạm tập trung chủ yếu ở các vùng chăn nuôi như huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành và TP Biên Hòa.
Để xử lý tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y Đồng Nai đã buộc các cơ sở trên phải giữ lại toàn bộ đàn heo, đến khi kiểm tra không còn chất cấm mới cho bán ra thị trường, đồng thời xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, tình trạng lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa giảm do mức xử phạt không đủ sức răn đe.
Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2016, tỉnh sẽ công bố thông tin những cơ sở bán thuốc thú y, thức ăn chính hiệu và các điểm chăn nuôi sạch, điểm bán thịt an toàn để bảo vệ người chăn nuôi chân chính và người tiêu dùng.
(Ảnh minh họa).
Trước đó, thông tin trên báo Người lao động, theo đại tá Phan Mạnh Thông, qua thống kê, trong năm 2015, đã có trên 20 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ tại kho của các DN, còn lại hơn 6.000 kg đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng mục đích, quy định. “Salbutamol nằm trong số nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhưng ở Việt Nam, nhiều DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất này phối trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để kích thích tăng trưởng. Gia súc được nuôi bằng thức ăn có trộn chất này cho tạo tỉ lệ nạc nhiều hơn, màu sắc thịt tươi hơn” - ông Thông nói.
Cũng theo đại tá Phan Mạnh Thông, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều chiêu trò để khuyến khích người chăn nuôi sử dụng, như thông qua hình thức tặng kèm, hàng khuyến mãi, thậm chí nhận tiêu thụ gia súc. “Dù các cơ quan chức năng ra quân truy quét nhưng thực tế salbutamol vẫn được sử dụng lén nút ở các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ và có xu hướng chuyển về địa bàn nông thôn” - đại diện C49 nêu.
Còn Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết sau 4 tháng triển khai đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi đã có 13 DN bị phát hiện sử dụng chất salbutamol để phối trộn vào thức ăn gia súc. Như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần của Công ty Thiên Nam (Bắc Ninh); Thanh tra Sở NN-PTNT và PC49 tỉnh Điện Biên phát hiện 1 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có 30 gói bột màu trắng (loại 1 kg), qua kiểm định phát hiện là salbutamol có hàm lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết trong đợt thanh tra cao điểm vừa qua, nguồn cung và sử dụng chất salbutamol đã bị khống chế. Thế nhưng, chỉ cần lơ là một chút, tình trạng sử dụng có thể tái phát. “Đến thời điểm này, C49 vẫn chưa phát hiện được nguồn nhập lậu chất salbutamol, tất cả đều được nhập khẩu chính ngạch” - ông Việt nói.
Theo ông Việt, 1 kg chất cấm salbutamol nhập khẩu chính ngạch chỉ có giá 1,5-1,6 triệu đồng nhưng giá này bị đẩy lên đến 15 triệu đồng/kg khi được tuồn ra ngoài bán trái phép cho người chăn nuôi. Tuy vậy, nhiều người vẫn chấp nhận mua salbutamol về để trộn vào thức ăn chăn nuôi bởi trung bình mỗi con heo ăn chất này cho lãi từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng vì nó siêu tăng trọng, giúp heo bung đùi, nở vai.
Nguy hiểm các loại chất cấm gây hại trong chăn nuôi
Thông tin trên báo Vietnamnet, GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết, năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt đáng chú ý là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol.
Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Các chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện được, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có nhiều.
Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng C49 phát hiện doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương sử dụng chất cấm hồi cuối năm 2015. (Ảnh: Người lao động).
Về mặt khoa học thì những chất được dùng để kích nạc đã được phát hiện là Clenbuterol và Salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm Beta - Agonists, là nhóm các hoóc môn tự nhiên, có nguồn gốc từ các Catecholamines (Adrenaline, Noradrenaline và Dopamine), có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose...
Ngoài ra, hai chất clenbuterol và salbutamol là những chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức WHO (y tế thế giới) và FAO (nông lương thế giới). Tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists đều bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đó là các chất như Terbutaline, Formoterol, Salmeterol, Budesonide, Fluticasone, Inratropium...
Beta- β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi làm giảm khá hiệu quả lượng mỡ của cơ thể, kích thích sự phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm. Tuy nhiên, để có heo siêu nạc, người ta phải dùng cho gia súc với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với liều dùng trong điều trị (sở dĩ nó được phép dùng trong y học là bởi nó được dùng với liều lượng rất nhỏ và có sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc).
Đây chính là lý do của việc sử dụng trái phép beta-agonists trong thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật.
Theo bác sĩ thú y Vương Thiện Đức, một người chuyên hành nghề thú y ở Bình Dương, thì tác động của Clenbuterol và Salbutamol là vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
theo ĐS&PL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn