Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung những năm qua tương đối khởi sắc thì lĩnh vực nông nghiệp lại liên tục sụt giảm.
Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung những năm qua tương đối khởi sắc thì lĩnh vực nông nghiệp lại liên tục sụt giảm: Năm 2011 là 130,7 triệu USD, năm 2012 chỉ còn 99,35 triệu USD và năm 2013 giảm tiếp xuống 86,73 triệu USD.
Đó là những tính toán dựa trên con số tuyệt đối. Còn nếu tính tỷ lệ phần trăm vốn FDI vào nông nghiệp trên tổng số vốn FDI thì tốc độ suy giảm còn cao hơn. Tính riêng những tháng đầu năm 2014, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,25% trên tổng số vốn FDI.
Nhiều tồn tại
Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ KH&ĐT, từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ có hơn 520 dự án FDI vào nông nghiệp, trong tổng số hơn 16.300 dự án FDI được cấp phép. Phần lớn dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có dự án nào được triển khai. Ngoài ra có thể thấy, chất lượng của các dự án FDI vào nông nghiệp cũng không cao, tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi… Trong khi đó, ngành trồng trọt có nhiều tiềm năng lại ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài để triển khai phát triển những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học.
Phân loại sản phẩm cá tra tại Công ty CP Gò Đàng, Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Huy Hùng |
Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, cứ chi 1 USD cho xúc tiến đầu tư sẽ làm tăng luồng vốn FDI thêm 189 USD. |
TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) phân tích, việc thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, chưa giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích giữa nông dân, chủ đầu tư… là những trở ngại lớn ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, thực tế cho thấy, cùng với việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn thiếu thì tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng làm nản lòng nhà đầu tư. Bên cạnh đó là những hạn chế xuất phát từ chủ trương, kế hoạch cho công tác xúc tiến thu hút vốn FDI vào nông nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính định hướng và kế hoạch, chiến lược cụ thể…
Gỡ nút thắt
Để gỡ những nút thắt trong thu hút cũng như sử dụng vốn FDI đầu tư trong nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện Dự thảo "Đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030". Dự thảo đưa ra nhiều chính sách khuyến khích FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể như ưu đãi từ vốn tín dụng, thị trường, đến đất đai, nguồn nguyên liệu, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực… Đặc biệt, dự thảo cũng đề cập tới nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự bình đẳng không phân biệt giữa nhà đầu tư FDI và trong nước… Nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đang cân nhắc khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài thu mua trực tiếp sản phẩm của nông dân, không bắt buộc mua qua các trung gian. Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần cấp bách hiện nay là bên cạnh việc tạo ra những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để làm đối tác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương cùng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, sẵn sàng đợi vốn FDI. Điều phối viên Ban NN&PTNT của Ngân hàng Thế giới Chris Jackson khuyến cáo: Muốn thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước phải đồng hành cùng họ trong cả chặng đường phát triển chứ không phải chỉ đãi ngộ bằng những chính sách được triển khai trong ngày một ngày hai.
Theo ktdt.vn