Trên thế giới hiện nay, các động vật được dùng làm thực phẩm đang tiêu thụ từ 70%-90% tổng lượng cây trồng biến đổi gien. Các tác giả nghiên cứu và đánh giá các nguồn dữ liệu đã được thẩm định liên quan đến thức ăn chăn nuôi có thành phần từ cây trồng biến đổi gien: Dữ liệu được thu thập trong suốt một thập niên sau năm 2000 - giai đoạn có hàng tỉ động vật được nuôi bằng lượng lớn thức ăn từ cây trồng biến đổi gien đã được đem so sánh với dữ liệu lấy được từ trước năm 1994 - giai đoạn trước khi xuất hiện cây trồng biến đổi gien. Các mẫu động vật được tập trung thu thập dữ liệu cho nghiên cứu này bao gồm gà nuôi, trâu, bò nuôi lấy sữa, trâu, bò nuôi lấy thịt và heo. Nghiên cứu trên chứng minh rằng không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả chăn nuôi bị giảm sút hoặc tình trạng sức khỏe của các động vật này xấu đi.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đều đưa ra kết luận nhất quán rằng hiệu quả và sức khỏe của động vật được nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc biến đổi gien là tương tự với động vật được nuôi bằng cây trồng có kiểu gien tương đồng, không biến đổi. Chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được sự khác biệt trong cơ cấu dinh dưỡng của các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật được nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc biến đổi gien.
Do ADN và protein là những thành phần thông thường trong khẩu phần được tiêu hóa nên chưa có dấu hiệu nào được phát hiện hoặc định tính một cách đáng tin cậy về thành phần biến đổi gien trong sữa, thịt và trứng của động vật sau khi tiêu thụ thức ăn có nguồn gốc biến đổi gien.
Nghiên cứu trên cũng lưu ý về nguy cơ gián đoạn thương mại do các nước nhập khẩu không cho phép nhập khẩu các giống cây biến đối gien mà các nước xuất khẩu cho phép sản xuất. Trên thế giới, các quốc gia trồng bắp và đậu tương biến đổi gien là những nước xuất khẩu thức ăn gia súc chính. Sự thiếu đồng nhất trong việc cấp phép (chẳng hạn như các nước xuất khẩu cho phép canh tác nhiều loại cây trồng biến đổi gien trước khi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gien được các nước nhập khẩu cho phép nhập khẩu) đã gây ra tình trạng gián đoạn thương mại. Tình trạng này có khả năng ngày càng phức tạp hơn trong tương lai bởi số lượng lớn cây trồng biến đổi gien thế hệ thứ hai có những tính trạng được điều chỉnh phù hợp để cải thiện thức ăn gia súc đang trong quá trình phát triển và xây dựng hành lang pháp lý.
Ngoài ra, các kỹ thuật cao cấp để tác động vào những biến đổi trong bộ gien mục tiêu cũng đang xuất hiện và không rõ liệu những kỹ thuật này có nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế xem xét dựa trên quy trình biến đổi gien hiện tại để giám sát quản lý hay chưa. Nghiên cứu cho rằng yêu cầu cấp thiết đối với việc nâng cấp tính hài hòa ở tầm quốc tế đối với hệ thống pháp lý cho cây trồng biến đổi gien và cơ chế quản lý kỹ thuật nuôi trồng đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn để hạn chế gián đoạn thương mại quốc tế trên diện rộng của ngành thức ăn chăn nuôi trong tương lai.
Theo nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn