Việt Nam có 8 vùng nông nghiệp gồm: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Mỗi vùng đều có đặc trưng cây trồng rất đa dạng. Trong đó, ĐBSCL chủ yếu là lúa; Tây Nguyên là cà phê, rau, hoa, trà; miền Đông Nam bộ là cao su, mía, bắp, điều… Tương ứng với sự đa dạng đó, mức độ cơ giới hóa giữa các loại cây trồng vì thế cũng rất khác nhau.
Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở nước ta chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. Các chuyên gia ngành nông lâm cho biết, với cây lúa nước thì cơ bản đã cơ giới hóa được nhiều khâu. Tuy nhiên, với cây trồng cạn thì trái ngược lại gần như là chưa có gì, ngoài khâu làm đất, ngoài máy cày, máy kéo làm đất.
Tại Tuyên Quang, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quan tâm đầu tư, số lượng máy móc tăng nhanh qua các năm. Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 máy nông nghiệp các loại, bước đầu giải phóng được sức lao động của con người trong các khâu nặng nhọc, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.
Mức độ cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp và không đồng đều ở các loại cây trồng khác nhau, trong các khâu khác nhau. Đối với các khâu sản xuất: Khâu làm đất, đạt 48.987,86 ha, chiếm 68,4% diện tích đất gieo trồng; khâu gieo cấy 2.346 ha, đạt 3,28% diện tích đất gieo trồng; khâu chăm sóc 3.022,8ha, đạt 4,22%; khâu thu hoạch 10.232,6 ha, đạt 14,29%; khâu tuốt, tách hạt 31.338,51 ha, đạt 44,52%. Đối với các loại cây trồng, cây lúa đạt mức độ cơ giới hóa cao nhất, đạt 78,07%; tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt lúa, còn các khâu khác lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Tỷ lệ này đối với cây ngô, lạc mức độ cơ giới hóa đạt 53,81%; cây đậu tương đạt 74,35%; cây mía 53,39%; cây chè đạt 35,93% diện tích gieo trồng.
Ở ĐBSCL, dù diện tích làm đất bằng máy đạt 100%, bơm tưới hơn 90%, nhưng thu hoạch bằng máy có nơi hiện cũng mới chỉ đạt khoảng 40% diện tích. Còn sản lượng lúa được sấy và bảo quản đúng kỹ thuật rất thấp. Toàn vùng chỉ mới có gần 1.800 máy gặt đập liên hợp và 3.500 máy gặt xếp dãy. Trong số đó, phần lớn là máy gặt đập liên hợp có xuất xứ từ Trung Quốc. Tất cả các máy thu hoạch lúa này chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% so với nhu cầu. Hệ thống sấy lúa ở ĐBSCL hiện chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% sản lượng lúa của vụ hè thu. Số lúa còn lại phải phơi thủ công với tỷ lệ hao hụt cao.
Qua số liệu tính toán, hiện nay cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa cao nhất tỉnh Long An đạt 95%, thấp nhất là Bến Tre đạt 10%; khâu sấy lúa cao nhất là tỉnh An Giang đạt 80%, thấp nhất là Bạc Liêu chỉ đạt 5%...
Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị như: Máy sấy nông sản; máy tách hạt bắp; máy gặt lúa rải hàng; máy gặt đập liên hợp; máy xay xát lúa gạo; máy kéo 2 bánh; máy kéo 4 bánh; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ có tải trọng dưới 500 kg; máy cày; bơm nước; thiết bị nuôi trồng hải sản; Thiết bị làm lạnh, cấp đông (IQF), tái đông (RF); kho lạnh bảo quản thủy sản, nông sản...
Một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Long An bắt đầu áp dụng việc đưa thiết bị định vị bằng tia la-de để cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Khi mặt ruộng được bằng phẳng, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí ở các khâu như giảm lượng lúa giống nhờ sử dụng dụng cụ gieo sạ theo hàng, giảm chi phí bơm tưới, giảm thời gian và nhân công do thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, kịp thời xuống giống tăng vụ...
Cấy lúa bằng máy đã xuất hiện ở An Giang và Long An. Khi áp dụng cấy lúa bằng máy sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa ngoài đồng khoảng 15 ngày (thời gian gieo mạ trong khay), giảm sâu bệnh và không bị lúa lẫn. Do đó, việc cấy lúa bằng máy rất phù hợp cho các khu vực ven biển khi phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Tại thủ đô Hà Nội, cơ giới hoá nông nghiệp đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp Thành phố Hà Nội, năm 2013, thành phố đã đầu tư 460 máy làm đất 15 mã lực và 195 máy làm đất 24 mã lực, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 69,22% lên 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 10,1%; 167 máy cấy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 1,64%… Đối với chăn nuôi, đã bổ sung thêm 480 máy vắt sữa, đưa tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này từ 16,5% lên 42,7%; 200 hệ thống ăn bán tự động, 59 hệ thống làm mát chuồng nuôi. Đầu tư 20 hệ thống làm mát, 190 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho chăn nuôi lợn, nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 11,8% lên 16,5%. Thành phố phấn đấu đến năm 2016, mục tiêu đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy đạt 20%, gặt đập 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 40%, vắt sữa bò đạt 50%, quạt nước thủy sản 15%... với nguồn kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng.
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước có gần 500 ngàn máy kéo các loại với tổng công suất trên 5 triệu mã lực (HP) - tăng 4 lần so với năm 2001, có 589 ngàn máy tuốt, đập lúa, riêng ĐBSCL có hơn 11 ngàn máy gặt các loại (trong đó, hơn 6.600 máy gặt đập liên hợp). Nhìn chung, chúng ta mới chỉ cơ giới hóa được ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát… lúa gạo, còn các khâu khác như gieo cấy, thu hoạch, chăm sóc… vẫn còn phụ thuộc vào lao động thủ công là chính. Ngoài ra, hiện trạng cơ giới hóa trong nông nghiệp còn chưa đồng bộ, toàn diện. Tính chung, trang bị động lực trong sản xuất mới chỉ được 1,3 HP/ha canh tác.
So với các quốc gia khác, cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam chỉ mới bằng khoảng 1/3 Thái Lan; 1/4 Hàn Quốc và 1/6 Trung Quốc. Trong đó, máy móc thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; máy móc nội địa thiếu và yếu, thậm chí phải nhập máy đã qua sử dụng.
Theo tính toán của các chuyên gia Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chỉ riêng đối với lúa, nếu cơ giới hóa đồng bộ 1ha lúa/vụ sẽ giảm chi phí 2,3 - 2,5 triệu đồng. Năm 2012, với 4,18 triệu ha lúa được cơ giới hóa, chi phí đầu tư giảm gần 10.000 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất bình quân cả nước đạt trên 90%, riêng ở đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL đạt 100%; khâu gieo cấy 70%; chăm sóc 70% - 80%; thu hoạch lúa bằng máy đạt 70%, riêng ĐBSCL 90%. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại máy sấy, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, đảm bảo từ năm 2015 trở đi năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 12 triệu tấn/năm; chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa, bắp quy mô thích hợp. Cơ giới hóa các khâu đạt 80%, với 20% được tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản.
Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chính người nông dân phải liên kết lại với nhau. Khi đó mới đủ khả năng để mua máy sấy, máy gặt đập; mới đủ khả năng làm nhà kho tồn trữ. Bởi một máy làm đất cỡ trung bình hiện khoảng hơn 300 triệu đồng, máy gặt đập liên hợp có loại lên tới cả tỷ đồng... Tuy nhiên vấn đề này không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng…
Theo hoinongdan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn