Trần Văn Cường (thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) phụ việc nhà giúp mẹ. Gia đình nghèo khó nhưng Cường vừa đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa á khoa Trường ĐH Y Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Dũng
Loạt bài viết sau đây sẽ tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, nêu ra những khó khăn hoặc thành công mà các thí sinh (TS) ấy gặp phải trong những năm tháng học ĐH cũng như khi ra trường.
Đa số sống ở tỉnh nghèo
Thống kê từ các kỳ thi tuyển sinh hằng năm, đa số TS trúng tuyển đều ở khu vực 2 nông thôn. Đặc biệt, trong top 100 TS có điểm thi cao nhất nước thì phần lớn đến từ những tỉnh nghèo và không ít em có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, rất ít TS ở các thành phố lớn lọt vào danh sách này.
|
Số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2012 đứng đầu danh sách 100 TS có điểm thi ĐH, CĐ cao nhất nước (từ 28,25 điểm trở lên) là TS ở khu vực 1. Đó là Nguyễn Kim Phượng, quê tỉnh Lâm Ðồng, thi vào Trường ÐH Y Dược TP.HCM với tổng điểm 3 môn đạt tuyệt đối 30 điểm. TS đứng vị trí thứ 2 thuộc khu vực 2 nông thôn, em Trần Xuân Bách ở H.Ba Vì, Hà Tây (cũ), dự thi Trường ĐH Y Hà Nội với số điểm là 29,75.
Năm 2013, Nguyễn Trọng Hùng (học sinh Trường THPT Nam Khoái Châu, ở xã Đại Hưng, H.Khoái Châu, Hưng Yên) đạt thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương, là một trong 2 TS có điểm cao nhất nước (29,5 điểm).
Năm 2014, toàn quốc có 3 TS thi ĐH có điểm cao nhất 29,25 thì cả ba đều ở “tỉnh lẻ”. Lê Bá Tùng, thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội là học sinh Trường THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa. Phạm Đức Toàn, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Tống Hữu Nhân, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Nhà nghèo nên... học giỏi
Từ năm 2008 đến nay, trong số 11 thủ khoa và á khoa của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 9 người đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Trà Vinh, Đồng Nai, Tây Ninh… Tương tự, trong số 8 thủ khoa và á khoa của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM thì cũng có tới 7 người sinh sống tại các địa bàn không phải thành phố lớn như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai…
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tính từ năm 2007 đến nay có tất cả 16 thủ khoa cấp trường đạt từ 28,5 đến 30 điểm. Trong số này, 13 người ở các huyện “lẻ” như: Long Thành (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định), Bù Gia Mập (Bình Phước), Hàm Tân (Bình Thuận)… Mới đây nhất, một trong 2 thủ khoa của trường năm 2014 cùng đạt 28,5 điểm là Trần Văn Cường ở thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thủ khoa này đồng thời còn là á khoa của Trường ĐH Y Hà Nội với 29 điểm. Đặc biệt, Cường có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm nay là Phạm Thị Ngọc Biển (tỉnh Đắk Lắk) cũng xuất thân từ một gia đình khó khăn khi cha mất sớm, 3 anh em ăn học dựa vào gánh hàng đậu hũ của mẹ. Chân dung thủ khoa 28,5 điểm của Trường ĐH Quy Nhơn năm nay là Võ Văn Nam cũng thuộc gia đình nông dân cận nghèo thuộc xã Cát Trinh, H.Phù Cát, Bình Định. Trần Anh Tuấn, thủ khoa khối B Học viện Quân y năm 2014 cũng xuất thân từ một gia đình nghèo ở Thanh Hóa có cha mẹ làm phụ hồ, bốc vác, gia đình diện hộ nghèo của xã. Năm 2013, câu chuyện về thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến (29,5 điểm) cũng gây xôn xao dư luận. Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông ở H.Ứng Hòa (Hà Nội), vì gia cảnh khó khăn nên người cha phải mưu sinh khắp nơi, chấp nhận sống trong ống cống để kiếm tiền nuôi con học hành…
Động lực phấn đấu và mục đích khác nhau
Lý giải hiện tượng nói trên, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Quách Tuấn Ngọc cho rằng:“Do những năm thi 3 chung, việc ra đề của Bộ không đánh đố và sát với chương trình phổ thông nên học sinh nông thôn chăm chỉ là có cơ hội đạt được điểm cao. Trước đây, khi đề thi ra theo bộ đề thì chỉ những em có điều kiện ôn luyện ở thành phố mới có khả năng đỗ điểm cao”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hà Tiên, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing nhận xét: “Trước hết, đó là các em có tố chất thông minh, học giỏi, ham học từ bé. Điều tiếp theo, đề thi ĐH của Bộ những năm gần đây bám sát kiến thức trong sách giáo khoa cho nên các em không cần luyện thi, chỉ cần tự học và bám sát chương trình ở các môn thuộc khối mình thi là đủ”. Ông Tiên còn cho rằng vì ở những vùng quê xa, học sinh ít bị ảnh hưởng từ nhiều mối quan tâm khác như các em ở các thành phố lớn, chẳng hạn học thêm tiếng Anh, tin học, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí…
Ông Lê Hữu Lập, thành viên Hội đồng tuyển sinh Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khẳng định: “Bây giờ tìm được thủ khoa là con nhà giàu khó lắm. Đa số học sinh nông thôn, con nhà nghèo có động lực phấn đấu rõ rệt. Hơn nữa, ở nông thôn các em chỉ có tiêu chí là học, ngoài chuyện phải làm việc giúp đỡ gia đình. Còn học sinh thành phố có điều kiện hơn nhưng các em cũng có nhiều mối quan tâm hơn nên thời gian dành cho việc học ít hơn. Các cụ đã nói, khổ luyện thành tài. Vì thế ở rất nhiều gia đình nghèo nhưng con cái lại học rất giỏi”.
Lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM nhận định: “Thường học sinh hoàn cảnh khó khăn có tâm niệm phải học thật giỏi để thoát nghèo, thoát cuộc sống cơ cực, nên động lực học tập của các em rất lớn”.
Ở góc độ khác, ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận học sinh thành phố không chú ý đến việc học sao để trở thành thủ khoa mà chỉ quan tâm đến chuyện thi đậu vào trường mình yêu thích, nhiều em còn có mục đích khác là đi du học.
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết năm nay trường có 6 thủ khoa thì cả 6 em đều ở tỉnh, trong đó 3 thủ khoa học ngay tại quê. Tiến sĩ Hoàng nhận định: “Đúng là các em có sẵn tố chất thông minh thì dù ở quê nếu chịu khó, nỗ lực học tập, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vẫn có thể đạt điểm cao, thậm chí thủ khoa. Hơn nữa, bây giờ điều kiện sống tại các tỉnh cũng không quá khó khăn lạc hậu, vẫn có một điều kiện tối thiểu để các em tiếp cận kiến thức, thông tin từ internet, báo chí…”.
Ý kiến Học sinh giỏi ở thành phố muốn du học Học sinh thành phố tiếp xúc nhiều thứ, học thêm nhiều nhưng đánh giá việc đi thi không quá quan trọng. Các bạn chỉ mong muốn được vào ĐH có điểm cao là được rồi, chứ không nhất thiết phải là thủ khoa này nọ. Tại TP.HCM, những bạn giỏi thực sự thường tìm học bổng đi du học từ đầu năm lớp 12. Ở đây, các bạn chọn những mục tiêu khác chứ không chỉ là thủ khoa một trường ĐH trong nước. Lương Ngọc Trung Hạnh Học để thay đổi số phận Ở những thành phố lớn, học sinh dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: mạng xã hội, các nhu cầu vui chơi giải trí... Vì vậy, nhiều em không toàn tâm toàn ý cho việc học. Ngoài ra, có những em học giỏi thực sự tại các thành phố lớn thường đã đi du học từ năm lớp 10, lớp 11. Đứng ở góc độ văn hóa vùng miền, người miền Trung thường đậu thủ khoa nhiều hơn vì hằng ngày họ phải tìm mọi cách sinh tồn trong những môi trường khắc nghiệt. Ở những nơi này, học là cách thể hiện giá trị của mỗi người, học để tồn tại, để thay đổi số phận. Thạc sĩ Hà Trung Thành Đề thi sát chương trình, lợi cho học sinh nông thôn Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT ra đề thi rất sát với chương trình phổ thông. Vì vậy, có những em vùng sâu vùng xa dù không học thêm gì cả nhưng nếu bám sát chương trình vẫn có thể đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Mặt khác, học sinh miền Trung cần cù chịu khó, quyết tâm thay đổi cuộc sống khó khăn của mình bằng việc học, nên mục tiêu đạt thủ khoa của các em càng mãnh liệt hơn. TS Thạch Ngọc Yến Như Lịch ghi |
V.Thơ - M.Luân - H.Ánh - M.Quyên
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn