Xã Kiến Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái rộng 8,8 héc-ta, chủ yếu là đất đồi rừng. Từ xa, những đồi tre măng Bát độ ngút ngàn hiện ra trước mắt. Đây là trọng điểm quy hoạch trồng tre lấy măng của tỉnh. Hiện, Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thành đã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012, liên kết với Công ty Yên Thành, huyện Yên Bình trong “chuỗi” quy trình trồng, thu gom, sơ chế, chế biến và xuất khẩu sản phẩm măng Bát độ. Từ đầu năm 2015 đến nay, Hợp tác xã đã thu gom, tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của các thành viên Hợp tác xã và người dân, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Trần Ngọc Sử, Giám đốc Hợp tác xã Kiên Thành, kể từ khi thực hiện liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị hoạt động góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc tại địa phương: “Khi liên kết với công ty Yên Thành thì sản phẩm của bà con được bán với giá cao, được chế biến thành sản phẩm măng suất khẩu mang giá trị kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập. Từ khi chưa thành lập Hợp tác xã thì 1 héc-ta măng của bà con thu nhập từ 20-30 triệu nhưng khi thành lập và liên kết, liên doanh với công ty thì sảm phẩm của bà con tăng lên từ 40-50 triệu 1 héc-ta”.
Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thu hoạch măng Bát độ. Ảnh:I.T/Dân Việt |
Từ những kết quả ban đầu trong việc Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cũng liên kết với các Hợp tác xã Trường Xuân, Hợp tác xã Tân Hương, huyện Yên Bình và Hợp tác Kiến Thuận, huyện Văn Chấn đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Hợp tác xã vận động các hộ trồng chè tham dự tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác và thu hái bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, tạo tiền đề giúp Doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu. Ông Chử Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Thịnh khẳng định: “Chúng tôi đã phối hợp với Hợp tác xã từ năm 2002, khi đó còn rất rời rạc nhưng bắt đầu hình thành theo chuỗi từ tháng 5/2015 thì thấy hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm chè của bà con so với trước là đã chè đã cắt ngắn và dần dần đi vào tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó thì chất lượng tăng lên. Thứ ba là nông dân đã biết chăm sóc đồi chè sạch hơn và đồng thời biết các loại phân bón, thuốc sâu cho phù hợp”.
Thực tế từ tỉnh Yên Bái cho thấy, để các cơ chế chính sách Hợp tác xã tiếp tục đi vào cuộc sống cần xác định chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Trong xu thế hội nhập giá trị xuất khẩu nông sản ngày càng lớn, từng Hợp tác xã nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị, do đó, Hợp tác xã cần phải liên kết lại mới đủ năng lực xuất khẩu nông sản phẩm và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Để xây dựng Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sảm phẩm cần nhiều giám đốc Hợp tác xã có tâm và có tầm. Đặc biệt, cần quy hoạch sản phẩm có quy mô hàng hóa và sản phẩm có sức lan tỏa:“Trách nhiệm của Liên Minh HTX kết nối hệ thống Tổ hợp tác, Hợp tác xã, vừa giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm cán bộ liên minh để có trách nhiệm bền vững lâu dài. Đồng thời hoàn thành nghĩa vụ đối với doanh nghiệp như: ký hợp đồng giao hàng nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, thời gian và số lượng. Còn nếu không giao đủ hàng chất lượng thì mất uy tín, thương hiệu chính là ảnh hưởng mất cả Hợp tác xã. Cùng chia sẻ doanh nghiệp, tạo doanh nghiệp phát triển bình đẳng trong sân chơi để phát triển bền vững”.
Để các cơ chế chính sách Hợp tác xã tiếp tục đi vào cuộc sống cần xác định chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy với việc xây dựng bước đầu các mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hy vọng sẽ tạo ra động lực, trở thành đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp.
Theo Lại Hoa/vovworld.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn