Là xã thuần nông, ngoài thu nhập từ cây lúa, người dân Đông Huy chủ yếu là lao động tự do, xã chưa có ngành nghề truyền thống ổn định, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều… chính là những khó khăn trong xây dựng NTM. Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã ban hành 4 nghị quyết về xây dựng NTM, nghị quyết chuyên đề về dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, huy động sự đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác. UBND xã xây dựng đề án thực hiện, triển khai các mục tiêu, tiêu chí theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp với các thôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức họp dân bàn bạc cách thức tiến hành một cách dân chủ, từ đó tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông Hoàng Đình Xô, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết: Việc tuyên truyền vận động bà con cùng chung tay xây dựng NTM được xã tích cực thực hiện, đạt sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Biết được những lợi ích mà NTM mang lại, nhân dân đồng lòng hưởng ứng.
Trên địa bàn xã, nhiều hộ gia đình hiến đất, chặt cây cối mở rộng đường giao thông nông thôn... Là xã có diện tích nhỏ, dân cư lại phân bổ tập trung, vì thế thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn có nhiều thuận lợi. Đông Huy cũng là một trong những địa phương đi đầu huyện trong đăng ký và tiếp nhận xi măng hỗ trợ của tỉnh. Nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp 2,091 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trong toàn xã đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vì kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên vốn huy động trong dân thấp, chủ yếu phục vụ cứng hóa giao thông. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, Đông Huy mới đạt được 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hệ thống giao thông nông thôn trong xã cơ bản được cứng hóa theo tiêu chí NTM, tuy nhiên gần 4km giao thông trục chính nội đồng, 7km kênh mương cấp 1 loại 3 chưa được bê tông hóa. Một tiêu chí thể hiện rõ tinh thần NTM là cơ sở vật chất văn hóa, thể hiện bộ mặt nông thôn thì Đông Huy còn thiếu; 4/4 thôn hiện chưa có nhà văn hóa, mặc dù đất đã được quy hoạch song còn chờ kinh phí.
Dự kiến cần có khoảng 28 tỷ đồng để hoàn thành 5 tiêu chí này, tuy nhiên ngân sách xã đầu tư cho xây dựng NTM chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Với 1 xã còn khó khăn như Đông Huy, xa trung tâm huyện lại không có đường liên xã chạy qua, dù có tổ chức quy hoạch, đấu giá đất, nguồn thu cũng không nhiều. Cơ sở vật chất còn yếu và thiếu, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, người dân lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, Đông Huy gặp nhiều khó khăn để hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Lộ trình trở thành xã NTM được địa phương đặt mục tiêu đến năm 2016. Ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Dù còn nhiều khó khăn song Đông Huy vẫn cố gắng huy động sức dân cùng sự hỗ trợ của các cấp để hoàn thành xây dựng NTM đúng lộ trình. Thời gian tới, xã tập trung tái thiết và tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Đông Huy rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để tiếp thêm sức mạnh trên chặng đường xây dựng NTM còn dài và lắm gian nan.
Thuận lợi của Đông Huy trong xây dựng NTM mà chúng tôi ghi nhận, đó là sự đồng lòng, hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Hệ thống chính trị từ xã đến thôn đều bắt nhịp và luôn đề cao quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo đúng lộ trình đã xác định.
nguồn: baothaibinh.com.vn