KTĐT - Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính và triển khai Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực, đời sống nông dân được nâng lên. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang từng bước đi vào cuộc sống.
Đổi thay diện mạo
Mỹ Đức là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Hà Tây (cũ). Từ khi hợp nhất về Hà Nội, được sự quan tâm đầu tư của TP với các chương trình phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước tiến đáng kể. Ông Nguyễn Phúc Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng giao thông nông thôn toàn huyện đạt trên 395 tỷ đồng, hệ thống điện đạt hơn 440 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, huyện đã cải tạo, nâng cấp, làm mới được hơn 900km đường giao thông và 100% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,96%, giảm 20,24% so với năm 2008.
5 năm qua, bình quân huyện Phú Xuyên được đầu tư 215 tỷ đồng/năm, tăng gấp hơn 30 lần so với trước khi hợp nhất. Trong đó, đầu tư chủ yếu cho xây dựng trường học và phát triển giao thông. "Hiện nay, toàn bộ 28 xã, thị trấn đã đạt chuẩn về y tế và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,8%" - ông Trương Thế Cầu - Bí thư Huyện ủy cho biết.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2012, kinh phí đầu tư xây dựng NTM toàn TP đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, toàn TP đã xây dựng, nâng cấp được hàng chục ngàn ki lô mét đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Trong đó, xây dựng được 157 trạm bơm, gần 600km kênh mương cấp 3 phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% hộ dân khu vực nông thôn đã được sử dụng điện lưới, hệ thống cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Qua tổng hợp, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ngoại thành còn hơn 4%, giảm 50% so với năm 2008.
Tiếp tục giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo trên địa bàn TP là một trong những vấn đề được Thành ủy, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm. Chương trình 02-Ctr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân ra đời cũng nhằm mục đích đó. Sau 5 năm hợp nhất và 3 năm thực hiện Chương trình 02, đến nay toàn TP có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 19 tiêu chí NTM, 139 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 - 10 tiêu chí và 18 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó, xã điểm NTM của T.Ư là Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Với 3 xã điểm của TP, hiện xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí.
Ngoài một xã điểm của T.Ư, 3 xã điểm của TP, tại 15 huyện, thị xã cũng triển khai xây dựng thí điểm 15 xã điểm NTM... Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn TP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tiến độ xây dựng NTM tại một số địa phương còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Một số địa phương chưa có giải pháp cụ thể với việc phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Các dự án trọng điểm triển khai còn chậm...
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015, toàn TP có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là một trong những chỉ tiêu cao nhất cả nước. Do vậy, để đạt được mục tiêu này, theo ông Vân, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc hiện nay là nước sạch, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề và phát triển sản xuất. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND TP xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện và tạo điều kiện thông thoáng cho người dân tiếp cận.
Thiên Tú
theo ktdt