Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội và đã thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước từ nhiều năm qua đã thiết lập và xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Nhật Bản là nước luôn sát cánh, tích cực hỗ trợ sự nghiệp đổi mới và hội nhập của Việt Nam.
Ngài Công sứ Kinh tế (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) phát biểu tại Diễn đàn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp 2 nước xây dựng được khung hợp tác dài hạn cũng như các biên bản ghi nhớ hợp tác về phổ biến quy chuẩn, chứng nhận liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị gạo Việt Nam; nhiều dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA từ Nhật Bản để triển khai thực hiện.
Tính đến cuối năm 2018, đã có khoảng 1.800 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, với vốn đầu tư 9,5 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản khoảng 3 tỷ USD (chiếm 7,9% tổng kim ngạch).
Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản đạt 25,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam sang thị trường này ước khoảng 1,9 tỷ USD (thủy sản 942,7 triệu USD; rau quả đạt 80,5 triệu; gỗ và các sản phẩm gỗ 872,9 triệu USD, và một số sản phẩm khác như hạt điều, cà phê, hồ tiêu, sắn…).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nhật Bản một số mặt hàng như rau quả, sản phẩm sữa, thủy sản, gỗ…; giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 350 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này).
Theo Tổng cục Hải quan, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản... hoặc hợp tác sản xuất với doanh nghiệp Việt Nam để đưa được nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật khó tính. Ảnh: I.T
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, điều thuận lợi là Việt Nam và Nhật Bản đều đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực thực thi từ tháng 1/2019.
Do đó, đây là điều kiện thuận lợi và cũng là cơ hội không những sẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước mà còn tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, hợp tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo cam kết của các nước thành viên CPTPP, ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam bao gồm: cà phê (rang, xay, hòa tan), tiêu, điều và các gia vị khác; một số loại rau hoa quả (hoa tươi, quả nhiệt đới, rau: hành, tỏi, nấm, dưa chuột), sản phẩm hoa quả chế biến, đóng hộp.
Các mặt hàng như: cà chua, khoai tây, ngô, đậu xóa bỏ lộ trình sau 5 năm, dứa xóa bỏ lộ trình thuế sau 10 năm, quả ôn đới xóa bỏ lộ trình sau 5-6 năm; nước ép các loại quả có lộ trình từ 5-11 năm.
Đối với thịt lợn, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu lộ trình sau 10 năm, đi kèm các biện pháp phòng vệ. Thịt bò chỉ cam kết giảm thuế theo lộ trình 5 năm, đi kèm các biện pháp phòng vệ. Đối với thịt gà cắt mảnh, Nhật Bản xoá bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, còn thịt gà chưa cắt mảnh thì lộ trình xoá bỏ từ năm thứ 6...
http://danviet.vn/nha-nong/cptpp-tan-dung-co-hoi-vang-thuc-day-xuat-khau-nong-san-sang-nhat-1015635.html
Theo: Thiên Ngân/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn