Hồi mở ra chương trình thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới, Phước Long (Bạc Liêu) được đặt kế hoạch ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% vốn đầu tư.
Nhưng khủng hoảng kinh tế, thắt chặt đầu tư công, vốn Trung ương thực tế chỉ có 0,45% và sự đi đầu vượt khó của tập thể cán bộ, nhân viên toàn huyện đã khơi dậy tiềm năng to lớn sức dân, vượt qua các trở ngại.
Chủ tịch UBND huyện Phước Long Phan Thành Đồng kể, khi được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ủng hộ, huyện vận động cán bộ và nhân viên toàn huyện gương mẫu đi đầu trong ba công việc chính. Đó là, thắt lưng buộc bụng để ưu tiên ngân sách cho các công trình, đóng góp “Quỹ An sinh xã hội - Xây dựng nông thôn mới” và trực tiếp tham gia xây dựng.
Đóng góp 20 tỷ tiền lương
Cô Nguyễn Kim Yến, cán bộ Văn phòng UBND huyện, cười tươi: “Nhiều lúc em nhận lương chậm hàng tháng, để ngân sách ưu tiên thanh toán cho các công trình xây dựng nông thôn mới”.
Làm việc ở Văn phòng đã 15 năm, lương không cao nhưng Yến còn phải lo cho cha mẹ già gần 80 tuổi ở ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, chậm nhận lương là gặp không ít khó khăn. Nhưng Yến xác định, khó khăn chỉ tạm thời trước mắt và là khó khăn chung, để lo cho tương lai tốt đẹp lâu dài của cả huyện nên cô nói “chịu khó tiết kiệm thì cũng vượt qua được, chung lưng đấu cật với tập thể lại có niềm vui”.
Anh Đỗ Tuấn Khoa, chuyên viên kinh tế và xây dựng nông thôn mới của Văn phòng UBND huyện, cũng tươi cười khi kể chuyện lương chậm. Theo anh Khoa, từ năm 2014 đến nay, thường nhận lương chậm. Vợ anh cũng là cán bộ Văn phòng UBND huyện, hai vợ chồng ở trong gian nhà tập thể, có một con nhỏ, lương hai người mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Cha mẹ ở xã Hưng Phú và anh chia sẻ: “Khi có lương, về thăm cha mẹ mua quà này nọ còn khi chậm lương, về thăm cha mẹ lại xin ít gạo mang theo lên ăn để vượt qua khó khăn”.
Chánh Văn phòng UBND huyện Nguyễn Hữu Tới giải thích, khi có công trình đường sá hay cầu cống cần hoàn thành mà ngân sách chưa kịp bố trí, mới xin tạm ứng lương của cán bộ và nhân viên để thanh toán, nên chậm lương, chứ không phải lúc nào cũng chậm. Ông Tới 57 tuổi, người thấp đậm, được Báo Bạc Liêu mệnh danh “một người làm việc bằng hai” nên kể chuyện xây dựng nông thôn mới đâu ra đó, số liệu rõ ràng.
Theo ông, Văn phòng UBND và HĐND huyện có 33 người kể cả lãnh đạo, tổng lương một tháng hơn 141 triệu đồng, khi công trình nông thôn mới cần là góp hết, lãnh đạo cũng góp và lãnh đạo cũng chịu chậm lương. “Cán bộ và nhân viên cả huyện, xuống đến các xã đều sẵn sàng thắt lưng buộc bụng cho các công trình xây dựng nông thôn mới, chứ không chỉ ở Văn phòng UBND đâu”, ông Tới nói.
Chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đồng bản tính ít nói nhưng khi đề cập vấn đề chậm lương của cán bộ và nhân viên để ưu tiên ngân sách cho xây dựng nông thôn mới, cũng cởi mở. Ông thẳng thắn, với những công trình bức xúc cần xây dựng ngay, huyện mua trả chậm vật tư và thi công thì hợp đồng doanh nghiệp ứng vốn làm và thanh toán dần, có lúc nợ khoảng 100 tỷ đồng. “Tổng lương một tháng của cán bộ, nhân viên cả huyện hơn 10 tỷ đồng, giúp giải quyết được nhiều khó khăn thắt ngặt.
Tuy nhiên, với những cán bộ, nhân viên rất khó khăn thì cũng không buộc phải nhận lương chậm”, ông Đồng nói. Huyện huy động được 44.918 ngày công lao động từ cán bộ, nhân viên ở huyện và xã, giáo viên và học sinh vào các Tổ xây dựng đường giao thông ở ấp, liên ấp, liên xã. Với phương thức mua vật tư giao cho các tổ, thi công theo thiết kế mẫu, chất lượng công trình đảm bảo và giảm chi phí đầu tư khoảng 35%. Đây là nguồn vốn tiết kiệm rất lớn với huyện nhà trong điều kiện kinh tế khó khăn. (Theo báo cáo của UBND huyện Phước Long) Bên cạnh ứng tiền lương cho các công trình, cán bộ và nhân viên cả huyện còn đóng góp vào “Quỹ An sinh xã hội - Xây dựng nông thôn mới”.
Trong 4 năm, từ 2011 đến 2015, mỗi cán bộ và nhân viên đã đóng góp một tháng lương. Chánh Văn phòng Tới tươi cười cho biết con số: “Tổng cộng được hơn 20 tỷ đồng”.
Tham gia xây dựng
Sáng sớm, mới 6 giờ, anh chuyên viên Đỗ Tuấn Khoa đã có mặt cùng nhiều cán bộ và nhân viên ở huyện về xã tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Buổi trưa, ở lại xã ăn cơm, nghỉ ngơi chừng một giờ, buổi chiều tiếp tục làm đến tối. Có ngày làm tới 18 giờ mới nghỉ. “Xong việc mới nghỉ chứ không nghỉ theo giờ hành chính.
Tôi không có nghề xây dựng nên chỉ phụ hồ, khiêng đá, cát; những người biết nghề thì trực tiếp làm thợ chính. Rất vui vẻ hào hứng, làm tới đâu dân phấn khởi chào đón tới đó, nhiều nơi người dân bày tiệc nhậu chiều tối, bắt lai rai dăm ba ly mới cho về”, Khoa cười thoải mái.
Mỗi đợt làm liên tục 3-4 ngày, Khoa trở về với công việc chuyên môn ở Văn phòng UBND huyện, ít lâu lại tiếp tục đi nữa. Khoa đã tham gia 4 đợt như thế. Tất cả cán bộ, nhân viên ở các cơ quan huyện được tổ chức thành 4 Tổ xây dựng đường giao thông, luân phiên nhau xuống các xã và ở nhà làm việc.
Chánh Văn phòng kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đào Thanh Phong có hơn một tháng làm Tổ trưởng lăn lộn dưới xã, nói xuống với dân có lắm kỷ niệm khó quên. Làm xong đường là cán bộ với dân thân thiết như người nhà. “Bây giờ, đi xuống nhiều nhiều nơi, gặp lại bà con tay bắt mặt mừng”, ông Phong nói. Làm đường giao thông ở ấp hay liên ấp, thường theo nguyên tắc, đường qua đất nhà ai nhà đó làm, nhưng có những gia đình neo đơn, nghèo, hoặc đường qua khu đất công cần hỗ trợ từ bên ngoài. Đó chính là nơi dành cho các Tổ xây dựng đường giao thông của huyện. Hiển nhiên, cán bộ xã không đứng ngoài cuộc, mà càng tích cực tham gia.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông Trần Ngọc Ẩn cười rổn rảng, xã được giao làm chủ đầu tư các công trình dưới 2 tỷ đồng nên cán bộ hăng hái chia nhau bám địa bàn. Ông kể, có lúc sắt chở tới sân trụ sở UBND xã, không chờ dân ấp lên nhận mà cán bộ xã hè nhau vác xuống công trường. Rồi xã nào mở ra công trình giao thông nông thôn đều muốn nhanh hoàn thành, các xã kế cận kéo cán bộ và nhân viên sang “vần đổi công vui như tết”.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Hoàng Phúc làm chỉ huy trưởng xây dựng con đường liên xã Vĩnh Thanh - Hưng Phú, dài đến 14 km, kinh phí đầu tư trên 24 tỷ đồng. Huyện đã huy động trên 2.700 lao động của các ngành ở huyện, xã và học sinh, làm trong một tháng hoàn thành. Việc huy động công sức của cán bộ, nhân viên đã tiết kiệm được 10 tỷ đồng so với thuê nhà thầu xây dựng. Tại lễ thông xe vào ngày 11/12/2013, đồng thời đặt tên con đường theo tên Bà mẹ VNAH, Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Mười, ông Phúc phấn khởi dự báo rất đúng cho hôm nay: “Đến cuối năm 2015, huyện Phước Long đạt chuẩn huyện nông thôn mới”.
Theo Sáu Nghệ/ nongnghiep.vn