Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, hết sức lớn. Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Cần nhận diện thật rõ hội nhập, tổ chức lại chuỗi ở tất cả các khu vực. Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi phương thức, hệ thống kinh tế, liên kết chất lượng sản phẩm. Các FTA, điển hình như CPTPP, EVFTA đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như: Thủy sản, lâm sản, đồ gỗ, rau quả, trái cây và các nông sản khác (gạo, cà phê, caosu...). Tuy nhiên, cũng sẽ có những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam, đó là: Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn; sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Để tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương đã được ký kết. Trong số đó, có nhiều FTA thế hệ mới với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của quốc gia, quản trị của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế, xã hội…Do đó, những nỗ lực và việc triển khai thực hiện FTA của Việt Nam mang tính hệ thống, xuyên xuốt và mang tính nền tảng, để đổi mới giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược phát triển đất nước trên nền tảng phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tác động của hội nhập đi vào cuộc sống, không chỉ đi vào Bộ, ngành địa phương mà còn tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, sản xuất trong nước trong đó có ngành nông nghiệp và nông thôn.
Với hội nhập quốc tế, trong đó, có hội nhập kinh tế là chủ chốt, thì Việt Nam đã có những bước chủ động đi đầu trong cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế và diễn đàn khu vực, và từ một nước đi sau, Việt Nam đã vươn lên nằm trong nhóm nước đi đầu hội nhập kinh tế quốc tế. Và trong tiến trình này, chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, đã có những chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển kinh tế, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại, trong đó lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa.
Minh chứng thành công trong hội nhập của Việt Nam có thể lấy ví dụ từ chính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có hiệp định thương mại tự do, nông nghiệp đã vươn lên, chứng kiến sự thay đổi vượt bậc, trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi.
Với vị thế là nước đứng đầu trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản như cà phê đứng thứ 2 thế giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Các hiệp định thương mại tự do chính là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong tất cả các ngành kinh tế lớn của Việt Nam có giá trị xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD thì chúng ta có trên 30 ngành hàng, trong số đó, nông nghiệp chiếm một phần lớn, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn gặp nhưng trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Do đó, chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
HNN (mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn