Gần 30 năm đổi mới đã tạo nên sự chuyển mình lớn lao cho nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đổi mới thúc đẩy nền ông nghiệp phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện. Thế nhưng, xét trên mặt bằng chung, vị thế người nông dân – vẫn chưa tương xứng với sự phát triển chung của ngành, của đất nước.
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều thay đổi, tuy nhiên xét về tổng thể, chân dung nông dân Việt Nam vẫn không mấy khác xưa: là đối tượng thu nhập thấp nhất trong xã hội, yếu thế, bị động và chịu nhiều rủi ro trong sản xuất. Bao lâu nay, dù đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhưng lối làm ăn cá thể; thiếu kỹ năng sản xuất, thiếu thông tin thị trường… khiến nông dân vẫn loay hoay với câu hỏi: trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện cuộc sống. Cơ cấu sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn dẫn đến hệ quả: đa số nông dân bị cuốn theo vòng xoáy của thị trường: “giá lên thì đua nhau làm, giá xuống thì thi nhau bỏ”.
Trong hội nghị bàn về tam nông do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng: nông dân Việt Nam thiếu chuyên nghiệp! Cái “thiếu” ở đây đã được chỉ ra một cách cụ thể, đó là đa số hiện nay vẫn không biết sử dụng máy móc, tận dụng mạng Internet; áp dụng khoa học kỹ thuật để tiết giảm chi phí, gia tăng chất lượng sản phẩm, liên kết thị trường. Việc dùng giống gì, bón phân gì, sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào… hầu hết đều lệ thuộc vào sự tư vấn từ bên ngoài. Tư tưởng làm ăn mùa vụ, cộng thêm sự tư vấn đôi khi vì lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân đã khiến sản phẩm nông dân làm ra cho người tiêu dùng và cho cả gia đình họ nhiều khi trở thành hiểm họa!
Trong những năm gần đây, thu nhập từ nông nghiệp đang có xu hướng giảm do ảnh hưởng của sự giảm giá nông sản trên thị trường. Thực tế này đã khiến ngày càng nhiều nông dân chuyển sang làm dịch vụ phi nông nghiệp, rời làng ra thành phố làm công, làm thuê để có thêm đồng ra đồng vào.
Khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chỉ ra rằng, trong vòng 20 năm tới, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Bởi vậy, ly nông, ly hương chỉ là giải pháp tạm thời. Kế sâu rễ bền gốc vẫn là làm giàu ngay trên thửa ruộng, trên chính mảnh đất quê hương! Để làm được điều này, hãy khoan bàn về những chính sách của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, mà hãy bắt đầu từ bản thân người nông dân. Họ cần phải thay đổi, phải trở thành nông dân công nghiệp, hiện đại, bởi chính họ là chủ thể xây dựng và là người sáng tạo để phát triển kinh tế.
Vậy, nông dân thời kỳ mới là người như thế nào? Đó là người thạo nghề, được đào tạo, tập huấn chuyên môn bài bản, có đầu óc, kiến thức làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và là một thành viên trong một tập thể, được phân công lao động rõ ràng. Từ một người nông dân hiện đại như vậy, thu nhập từ nông nghiệp chắc chắn sẽ khác đi. Và xã hội nông thôn cũng sẽ thay đổi. Không còn là xã hội tiểu nông, đèn nhà ai nhà nấy rạng mà là một xã hội nông thôn hiện đại với nền sản xuất lớn, tạo dấu ấn cho đời sống xã hội.
Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, lần thứ 2 Chương trình tự hào Nông dân Việt Nam và trao tặng Danh hiệu Nông dân xuất sắc được tổ chức. 63 nông dân ưu tú đại diện cho 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước đã vinh dự nhận danh hiệu này. Đây là những nông dân có tư duy sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, có phát minh sáng chế được áp dụng hiệu quả, góp công sức vào sự nghiệp phát triển chung, làm giàu cho gia đình và xã hội. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, những bông hoa đẹp này sẽ được nhân rộng tới hàng triệu nông dân trong cả nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Theo vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn