Đồng thuận ý Đảng - lòng dân
Những thành quả đạt được hôm nay là nhờ sự đồng thuận ý Đảng - lòng dân, thể hiện trong việc huyện Đan Phương đã vận dụng sáng tạo phương châm "lấy sức dân để lo cho dân"; dân làm có sự hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ, cho nên nhận được sự đồng thuận cao.
Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhân dân trong huyện đã đóng góp gần 202 tỷ đồng (bằng gần 9% tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM của huyện), cộng với hàng trăm nghìn ngày công lao động, hơn 2.500 m2 đất thổ cư để làm đường giao thông. Điển hình là các gia đình ông Đặng Văn Trung, bà Tạ Thị Thái (xã Thượng Mỗ), anh Phạm Văn Tiến (xã Phương Đình)... Chính nhờ sự ủng hộ của người dân, chung sức cùng chính quyền mà toàn huyện đã đầu tư xây dựng hơn 37 km đường trục xã, liên xã, cải tạo nâng cấp hơn 22km đường trục thôn, hơn 80 km đường trục chính nội đồng. Quy hoạch và xây dựng được sáu cụm công nghiệp làng nghề với 534 doanh nghiệp, thu hút 6.200 lao động.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh việc chuyển gần 1.045 ha từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng hoa, rau an toàn, cam canh, bưởi diễn, su hào, bắp cải trái vụ; tổ chức chăn nuôi tập trung có giá trị kinh tế cao. Theo ông Nguyễn Hữu Tịnh (Phòng Kinh tế huyện), hiện ở vùng quê khởi nguồn của phong trào “Phụ nữ ba đảm đang năm xưa” xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá, giàu. Như hộ anh Đặng Văn Minh (xã Trung Châu) thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi lợn. Hay gia đình anh Nguyễn Đăng Thắng (xã Song Phượng) trồng bốn mẫu hoa ly, thu nhập 400 triệu đồng/năm… Kinh tế liên tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,26%. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản đạt 168 triệu đồng/ha/năm, tăng 33 triệu đồng so năm 2011. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trong huyện từng bước được cải thiện, từ 18,3 triệu đồng năm 2011, lên khoảng 30 triệu đồng hiện nay. Phong trào văn hóa, giáo dục, y tế khởi sắc. Đến nay, huyện đã xây dựng được 15 sân thể thao, 15 nhà văn hóa ở 15 xã, 93 nhà văn hóa thôn, nhà hội họp cụm dân cư. Ba xã Song Phượng, Đan Phượng, Tân Hội đạt chuẩn văn hóa NTM; 35 trường học đạt chuẩn quốc gia, xây mới bảy trạm y tế; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Giữ vững vị thế đi đầu
“Bật mí” bí quyết XDNTM thành công với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Cũng như nhiều địa phương khác, khi bắt tay vào thực hiện XDNTM, huyện gặp một số khó khăn như sản xuất manh mún, phân tán. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn những khó khăn trong việc giải quyết ô nhiễm làng nghề, tiêu thoát nước ở khu dân cư. Do vậy, để làm tốt XDNTM thì công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp; tích cực tuyên truyền để người dân thật sự thấy họ là chủ thể quan trọng trong XDNTM.
Tuy nhiên, hoàn thành các tiêu chí XDNTM đã khó, giữ vững danh hiệu huyện dẫn đầu thành phố về NTM còn khó hơn. Vì vậy, huyện Đan Phượng đã xác định rõ những thách thức và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thiết thực. Theo đó năm 2016, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xác định các tiêu chí phù hợp trong giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là mở rộng diện tích các loại rau, hoa, quả trái vụ được thị trường ưa chuộng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhiều hơn nữa. Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển trang trại, làng nghề; gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập cho nông dân. Tạo sự liên kết mật thiết giữa doanh nghiệp và người dân, bảo đảm “đầu ra” nông sản cho bà con.
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa đầu tư giao thông nội đồng, các công trình bảo vệ môi trường như hệ thống cấp thoát nước các đầm, hồ, ao. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải, nước thải về khu xử lý bảo vệ môi trường. Đồng thời tiếp tục coi trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững trong tương lai.
Theo: Anh Quang/nhandan.com.vn