Đến đây, ta vẫn dễ dàng gặp lại những di tích cách mạng, bao gồm cả các địa danh diễn ra nơi tập trận đánh “Điện Biên Phủ” dịp Xuân - Hè năm 1953: Đây cánh đồng Mường Thanh, kia sông Nậm Rốm, cầu Him Lam.
Cũng chính tại nơi đây, người dân xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá đang hăng hái chung sức, đồng lòng với mục tiêu hoàn thành Chương trình xây dựng NTM vào năm 2015.
Ký ức
Ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Đồng Thịnh là nhà bia di tích. Bia ghi rõ: “Nơi đây: Xóm Bản Soi, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, vào Hè - Thu năm 1953, thực hiện chỉ thị của Tổng Quân uỷ, một trung đoàn thuộc đại đoàn quân tiên phong (F308) đã tổ chức diễn tập thực binh “đánh tập đoàn cứ điểm” của thực dân Pháp.
Cụ Phùng Đức Nự, 86 tuổi, ở thôn Nà Chà kể về cuộc “tập trận đánh Điện Biên Phủ” mà cụ được tận mắt chứng kiến như sau: Xã Đồng Thịnh nằm ở phía nam của huyện Định Hoá, có địa hình khá tương đồng với Mường Thanh nên được chọn để quân ta diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm”.
Cụ Phùng Đức Nự kể về cuộc diễn tập thực binh, công đồn tập đoàn cứ điểm
Cuối mùa hè năm 1953, khi các thửa ruộng lúa trên cánh đồng Bản Soi mà đồng bào quen gọi là đồng Sìn bắt đầu chín rải rác, các hộ dân trong xã được chính quyền vận động khẩn trương thu gặt để sơ tán vào rừng và sang các xã lân cận để bộ đội tập đánh trận.
Khi đó, tôi đang là Trung đội trưởng kiêm Chính trị viên Trung đội dân quân huyện Định Hoá, có nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, tải tiếp tế lương thực, đạn dược, vũ khí và cứu chữa thương binh. Khi được lệnh sơ tán, chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em mang theo lương thực, tư trang vào lán trại trong rừng và đi ở nhờ bà con họ hàng, còn thanh niên trai tráng đều ở lại tham gia giúp bộ đội.
Trong khoảng hơn một tuần, đơn vị bộ đội mượn dao, cuốc để chặt cây, đào hầm hào, lô cốt dựng thực địa. Các xóm: Bản Soi, Đèo Tọt và Đồng Làn được chọn là nơi diễn tập chính. "Trung tâm sở chỉ huy địch" đóng tại địa điểm xóm Bản Soi; cánh đồng Sìn là nơi bố trí các ụ súng của "địch", được nối với nhau bằng giao thông hào sâu ngập đầu người.
Từ "Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm" đến hệ thống hầm, lô cốt đều được đào, đắp, lát hầm bằng gỗ và cây tre vầu. "Sở chỉ huy địch" cách đồi Nghè khoảng 200 m được lát gỗ, nóc đắp đất dày..., bao xung quanh là hàng rào dây thép gai và vật cản, được ngụy trang bằng cây cỏ phòng máy bay thám thính. Rồi có cả sân bay là mục tiêu cần đánh chiếm…
Chuẩn bị chu đáo là thế nhưng trận diễn tập chỉ trong vòng hai ngày đêm. Lần đầu tiên dân quân, bộ đội địa phương được nhìn tận mắt vũ khí hiện đại nên rất phấn chấn, tin tưởng vào thành công của cuộc kháng chiến. Thực hiện khẩu hiệu "Thao trường như chiến trường", bộ đội dùng súng bộ binh, bộc phá đánh lô cốt, hàng rào dây thép gai, bắn súng DKZ, bộc phá đánh hàng rào, đánh giáp lá cà…
Cuộc diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm” của F 308 - đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta đã khiến cho đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn sớm được ra trận lập công, khí thế ra trận rất cao với niềm tin quyết chiến, quyết thắng. Ai nấy đều mang một tâm thế tràn ngập tươi vui sẵn sàng chấp nhận gian khổ, đi chiến dịch như đi trảy hội…
Xã điểm
Tự hào với truyền thống cách mạng, Đồng Thịnh hôm nay ra sức phấn đấu trở thành xã đi đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện Định Hoá và của tỉnh Thái Nguyên. |
Về lại Đồng Thịnh trong những ngày tháng Năm lịch sử, đón chúng tôi là những cánh đồng lúa xanh mướt. Vẫn một quang cảnh chiến khu xưa đồng cọ đồi chè nhưng đã rõ nét một vùng nông thôn hiện đại.
Chủ tịch UBND Đồng Thịnh Hoàng Văn Tô vui vẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội của xã: Đồng Thịnh là 1 trong 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên. Qua 2 năm thực hiện, đến nay đã đạt 11/19 tiêu chí.
Cụ thể: 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; trường mầm non và trường tiểu học đã đạt chuẩn; 850/1.106 hộ dân có nhà ở đạt theo tiêu chuẩn; 92% lao động có việc làm thường xuyên; 95,2% số dân tham gia các hình thức BHYT; 85,7% số cán bộ xã đạt chuẩn…
Năm 2013, thu nhập bình quân của Đồng Thịnh đạt 14 triệu đồng/người/năm. Với mục tiêu hoàn thành Chương trình xây dựng NTM vào năm 2015, địa phương đang tập trung đầu tư hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển SX hiệu quả để đến hết năm 2015 đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Ông Hoàng Văn Tô cho biết, cây chủ lực của Đồng Thịnh là lúa Bao thai đặc sản. Trên cánh đồng Sìn 60 năm về trước đã giả làm Mường Thanh giờ đang được người dân canh tác bằng giống lúa Bao thai, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện toàn xã có 200/370 ha gieo cấy lúa Bao thai với năng suất gần 55 tạ/ha. Đề án phát triển lúa Bao thai đã có nhiều hộ dân đăng ký tham gia.
Xã cũng có 120 ha chè và hơn 400 ha rừng. Khai thác, phát huy thế mạnh vườn rừng và tranh thủ lao động tại chỗ, Đồng Thịnh còn tập trung phát triển 2 làng nghề dệt mành cọ truyền thống là: Ru Nghệ 1 - Ru Nghệ 2 và Làng Bầng - Co Quân. Gần 100 hộ dân có nghề dệt mành cọ, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động, chủ yếu là phụ nữ trong xã với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Ông Tô chia sẻ: Để hoàn thành 8 tiêu chí chưa đạt cần tới hơn 31 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hơn 21 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân hơn 10 tỷ đồng. Nhu cầu rất lớn như vậy nhưng khả năng huy động đóng góp của nhân dân địa phương có hạn, rất mong các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ địa phương cần kịp thời hơn.
Đồng Văn Thưởng
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn