Khu tái định cư Thủy điện Lai Châu. Ảnh: Xuân Ba
Đầu tư chưa có trọng điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu cho biết, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân (NNNTND) từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến năm 2011, cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã (chiếm 98,6% tổng số xã). Các chỉ số phát triển hạ tầng (hệ thống y tế, trường học, điện, nước sạch, chợ, vệ sinh môi trường, mạng lưới thông tin văn hóa) được cải thiện đáng kể, góp phần cải thiện diện mạo bộ mặt nông thôn, tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể cho thấy, các chương trình hỗ trợ, mục tiêu quốc gia chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguồn lực thực hiện phân tán, thiếu tập trung, gây lãng phí. Đặc biệt, việc xây dựng dự án tại nhiều địa phương chưa căn cứ theo chính sách của Chính phủ nên chọn địa điểm đầu tư không hợp lý, gây tốn kém.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chương trình di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2007 tại tỉnh Lai Châu rất tốn kém. Tính ra, suất đầu tư cho một hộ định canh, định cư gần 1 tỷ đồng, tương đương với ngân sách TƯ hỗ trợ cho xã trong Chương trình 135 trong một năm. Đây là một trong số những biểu hiện cho thấy khâu tính toán nguồn lực còn nhiều bất cập, dễ dãi. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định, việc đầu tư về khu vực nông nghiệp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thì quá nhiều chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt, nơi lại rất thiếu. Vậy nên mới có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái đang đầu tư lại chưa thực sự cần. Ví dụ, có xã rất thiếu giường bệnh thì lại được giao máy vi tính. Bên cạnh đó, việc quản lý đầu tư công vẫn còn nhiều sai phạm. Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 220 vụ việc vi phạm, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Do đó, rất cần đánh giá thêm về năng lực của bộ máy chính quyền cơ sở trong vấn đề này.
Pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc
Ngoài vấn đề kinh phí dàn trải thiếu hợp lý, hệ thống chính sách pháp luật đầu tư công cho NNNTND tuy nhiều song còn vướng mắc. Trong số những hạn chế, đáng lưu ý nhất là quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trở ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo luật đến nay đã gần hết nhưng Nhà nước chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không an tâm đầu tư. Đặc biệt, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23-12-2009 của Chính phủ quy định phải hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh và có chế độ đối với CBCNV làm việc tại đây. Nhưng đến nay, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mô hình và cơ chế, nên khi triển khai, các địa phương rất lúng túng.
Trong 12 kiến nghị của Đoàn giám sát, có hai nội dung lớn là hoàn thiện thể chế và tăng ngân sách nhà nước cho NNNTND giai đoạn 2011-2015 cao gấp hai lần giai đoạn 2006-2010. Trong đó, cần tăng vốn đầu tư cho các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi. Đồng thời, ưu tiên ngân sách cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ được ủng hộ vế đầu tiên, vế sau vấp phải sự phản đối của không ít chuyên gia kinh tế. Bởi đầu tư cho NNNTND chưa đủ so với yêu cầu, nhưng đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong ngân sách rồi, khó thêm được nữa. Cho nên vấn đề then chốt là phải có chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân cho sự nghiệp phát triển NNNTND. Ngay cả cơ cấu đầu tư cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư, khi rải vốn không thể xếp theo hàng ngang mà cần phải xếp hàng dọc, cái nào bức thiết hơn làm trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Việt Nam đầu tư cho NNNTND rất lớn (chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư ngân sách) nhưng kết quả chưa tương xứng. Do đó, cơ quan chức năng phải làm rõ bộ mặt nông thôn đã thay đổi như thế nào trong 5 năm qua và thách thức trong 10 năm tới là gì, để từ đó có biện pháp tháo gỡ hợp lý. Ngoài ra, nên bổ sung chính sách giảm nghèo, bởi đây là vấn đề trọng tâm của nông thôn. Đang có tình trạng thoát nghèo không bền vững, khả năng tái nghèo cao. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước: Để xây dựng một xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới, cần đầu tư ít nhất 220 tỷ đồng. Do đó, cần phải có cơ chế hợp lý cho bà con yên tâm đầu tư sản xuất và huy động nguồn lực từ sức dân chứ không thể trông vào mỗi "ông" Nhà nước. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn