Tuy nhiên, việc xây dựng chợ hiện nay có nhiều nghịch lý: Nơi cần thì không có hoặc để chợ xập xệ. Nơi mới xây xong thì để hoang hóa 5 đến 7 năm vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, không ít nơi chợ cũ "lên đời" thành trung tâm thương mại thì không còn là chợ nữa vì đìu hiu, số nhân viên quản lý đông hơn cả người bán, người mua.
Nguyên nhân gây nên sự lãng phí khá đa dạng: Có nơi quy hoạch chợ vào vị trí không thích hợp, trên đồi cao hay ngoài bãi vắng, địa thế bất tiện nhiều mặt, thậm chí nhiều lỗi kiến trúc và xây dựng, thiếu kết nối hạ tầng hay xa nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nên vắng khách; không ít nơi bất chấp quy hoạch và thực tế thị trường, hình thành phong trào đầu tư dàn trải, chợ chưa xây xong thì thiếu kinh phí đành bỏ hoang. Một số nơi doanh nghiệp đấu thầu xây chợ dùng nhiều "chiêu, trò" tăng chi phí khiến giá thuê chỗ bán hàng ở chợ mới đội lên nhiều lần so với chợ cũ. Vé vào chợ quá đắt đỏ, bị tiểu thương và người mua quay lưng, chợ không còn đúng nghĩa của nó và đứng trước nguy cơ "vỡ chợ" hoặc phải thay đổi công năng...
Thực tế phát triển chợ tràn lan thiếu hiệu quả ở nhiều nơi cho thấy, các cấp, ngành địa phương cần nghiêm túc xem xét, chủ động rà soát, trên cơ sở thực tế của các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chợ, lựa chọn cơ chế quản lý phù hợp, linh hoạt đáp ứng các mục tiêu kinh tế - xã hội. Ðồng thời, nghiên cứu triển khai các giải pháp hành chính và thị trường hỗ trợ khác phù hợp, kể cả buộc di dời chợ cũ, chợ tự phát vào chợ theo quy hoạch. Chỉ khi đó, chợ mới thật sự phát huy được hiệu quả đầu tư, khắc phục những nghịch lý về chợ dân sinh đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo nhandan.org.vn