Việc đào tạo nghề nông thôn vẫn chưa sát với thực tiễn doanh nghiệp. |
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1956, trong 4 năm (2010-2013), ngân sách Trung ương đã bố trí cho công tác dạy nghề lao động nông thôn trên 4.873 tỷ đồng, bên cạnh đó, có 12 địa phương tự cân đối được ngân sách, nhiều địa phương bố trí thêm, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án cho hoạt động này. Kết quả, đã có 1,615 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề, gần 1,2 triệu người có việc làm mới. Ban chỉ đạo Đề án 1956 đánh giá hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt mục tiêu của đề án, số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho lao động nông thôn chưa thật sự bền vững. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội: Qua giám sát, chúng tôi thấy đào tạo nghề chưa đáp ứng thực tiễn. Lao động nông nghiệp ở một huyện miền núi mà mở lớp đào tạo sửa xe máy, thì lấy đâu xe máy mà sửa. Đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của xã hội, của người lao động, doanh nghiệp. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hầu hết khi nhận lao động đều đào tạo lại, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động mà còn lãng phí. Theo tôi việc đào tạo nghề nông thôn chưa trúng và dàn trải. Tôi đi giám sát tại các tỉnh thấy các lớp dạy nghề tổ chức buổi tối, chủ yếu là phụ nữ đến lớp hướng dẫn trong 3 - 4 ngày, hướng dẫn không thực tế, không sát với lao động nông thôn họ cần. Tác dụng và hiệu quả dạy nghề và đào tạo nghề khu vực nông thôn là chưa đạt yêu cầu mong muốn. Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh: Việc đào tạo nghề chưa được đánh giá một cách tổng thể. Chúng ta có rất nhiều cơ quan đào tạo nghề, nhưng đơn vị nào đánh giá hiệu quả thì chưa rõ, trong đó phải đánh giá cụ thể chất lượng đào tạo và bao nhiêu người có thể sử dụng nghề đã học. Chúng ta phải đánh giá cho được đầu ra, chứ không nên đánh giá số lượng đầu vào. Bao nhiêu người học ra, làm được và làm đúng ngành nghề. Thời gian qua, tôi có đi giám sát khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên cho thấy cách đào tạo như hiện nay chỉ tiến hành đơn lẻ trong địa phương và không làm trong đô thị. Đào tạo một lớp 30 người chỉ khoảng 2 người làm đúng nghề đã học và phải học thêm nhiều kỹ năng khác. Đào tạo nghề nông thôn theo tôi chất lượng chưa đạt yêu cầu và đào tạo để tính số lượng chứ không tính đến hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp phản ánh, họ đều đào tạo lại lao động. Trong khi người học phản ánh thiết bị thực hành lạc hậu, không phù hợp. Do đó, đề án này cần đánh giá lại hiệu quả chương trình rồi mới triển khai tiếp. Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn là đúng đắn, nhất là việc chuyển đổi kinh tế nông thôn, thu hồi đất nông nghiệp nên tổ chức dạy nghề và hướng dẫn nghề cho người dân. Qua giám sát về đào tạo nghề nông thôn cho thấy phần lớn là dàn trải, nhiều người ghi danh để tham gia học nhưng việc sử dụng kiến thức học và học nghề để có thu nhập chưa được quan tâm nhiều. Do đó việc dạy nghề cần gắn với quy hoạch vùng, thị trường và chọn lọc đối tượng; cần gắn với doanh nghiệp bởi họ sẽ là đơn vị tạo việc làm, gắn với đầu ra của sản phẩm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn