Ủng hộ về mặt chủ trương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu gói tín dụng nêu trên cần triển khai càng sớm càng tốt và nếu được thì sẽ làm ngay trong quý I-2014. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra điều kiện cụ thể về đối tượng, thời hạn cho vay, đặc biệt là lãi suất phải thấp hơn mặt bằng chung. Quán triệt điều đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xây dựng nội dung triển khai cụ thể bằng các nghị định, thông tư.
Đây là một tin mừng đối với người nông dân khi đối với họ nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là rào cản sự năng động và tư duy sáng tạo. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn quá manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thu được chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người lao động.
Tuy nhiên, để niềm vui đó trở thành hiện thực, để gói tín dụng nêu trên thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, vấn đề là nguồn vốn phải đến được tận tay người nông dân có nhu cầu. Muốn vậy, có rất nhiều công việc cần giải quyết.
Thực tế cho thấy, gói hỗ trợ tín dụng bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng đã và đang thực hiện mới chỉ giải ngân được khoảng… 3% là chưa thực sự hiệu quả khi hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp đang gặp khó khăn về nhà ở rất khó "với" tới. Đã có sự ví von, việc tiếp cận với gói tín dụng này không khác gì… "leo cột mỡ". Nói vậy để thấy rằng, triển khai gói tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn bội phần. Ví dụ ai sẽ là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn? Làm sao các ngân hàng có đủ lòng tin vào người nông dân để có thể chấp thuận cho họ vay vốn? Ngoài nhu cầu tiếp cận đồng vốn, liệu người nông dân có đủ điều kiện vượt qua "rào cản" là hàng loạt thủ tục, điều kiện khắt khe của các "ông nhà băng" nắm giữ đồng tiền? Một vấn đề khác là thời gian áp dụng gói tín dụng. Chắc chắn nhiều bất cập sẽ phát sinh khi một chủ trương lớn áp dụng vào đời sống. Việc đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ và điều chỉnh cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Như vậy, nếu áp dụng gói tín dụng này trong vòng một năm, những tồn tại chưa kịp giải quyết là đã hết thời gian. Mặt khác, việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không thể "ăn xổi", cho hiệu quả trong ngắn hạn. Ấy là còn chưa nói tới những yếu tố khách quan như rủi ro của thiên tai, dịch bệnh… mà Gia Cát Dự cũng không thể hoạch định, nói trước được điều gì. Người nông dân cần đồng vốn nhưng để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp bền vững thì cần có thời gian… trung hạn hay dài hạn nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hay ít nhất là đủ trọn một vòng đời của sản phẩm nông nghiệp… Chả đã có chuyện cấp vốn cho bà con trồng cà phê, cao su hoặc nuôi thủy sản… người dân vẫn méo mặt, oằn lưng chấp nhận bán "lúa non" để trả lãi ngân hàng đó sao.
Tóm lại, để gói tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến được với nông dân, không rơi vào tình trạng tắc "đầu ra" như gói hỗ trợ tín dụng bất động sản thì rất cần các hướng dẫn cũng như những cách làm thật cụ thể, thiết thực. Có như vậy người nông dân mới có thể thực sự thụ hưởng được lợi ích từ chính sách hỗ trợ này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn