Gần 49.000 tỉ đồng tư xây dựng NTM

Trong 5 năm qua, TP đã huy động được 48.708 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển cho triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành, trong đó riêng vốn ngân sách là 40.678 tỉ đồng (chiếm 83,5%), vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 160 tỉ đồng (chiếm 0,3%), vốn tín dụng của ngân hàng thương mại là 7.870 tỉ đồng (chiếm 16,2%).

Bên cạnh đó, tổng kinh phí các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và nhân dân ủng hộ bằng tiền và các hình thức quy được 5.079 tỉ đồng. Đặc biệt, có 60 doanh nghiệp, 614 hộ gia đình hỗ trợ từ 100 triệu đồng trở lên, nhiều hộ gia đình hưởng ứng phong trào “Hiến đất làm đường” với giá trị quy đổi xấp xỉ 3.000 tỉ đồng. Nông dân ở nhiều nơi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu như: Gạo chất lượng cao, sữa tươi, quả đặc sản, rau an toàn, hoa, cây cảnh…

Đánh giá cao những kết quả mà phong trào mang lại, đồng chí Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - nhấn mạnh: 5 năm qua, cùng với việc hưởng ứng các phong trào thi đua lớn của cả nước, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được TP triển khai tích cực, đến nay toàn TP có 166/386 xã NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM (dự kiến đến cuối năm sẽ có 3 huyện đạt chuẩn NTM). Các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục duy trì và phát động các phong trào thi đua truyền thống, có tính đặc trưng và sáng tạo của thủ đô.

Trong điều kiện nguồn kinh phí của TP còn khó khăn, hầu hết các huyện, thị xã và các xã đã chủ động bố trí nguồn vốn của huyện, xã và huy động các nguồn vốn xã hội hóa khác của doanh nghiệp, hộ gia đình… Trong đó có những huyện làm tốt, như: Đông Anh, Thường Tín, Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Gia Lâm, Chương Mỹ…

Thu nhập bình quân tăng gấp đôi

5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 28,6 triệu đồng. TP đã tổ chức 2.930 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 99.037 lượt người tham gia. 72,9% số lao động nông thôn làm đúng với nghề được đào tạo, tỉ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 87%; mỗi năm, giải quyết thêm việc làm cho 136.500-140.000 lượt người lao động; tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm, tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 49,72%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, có 100% các trạm y tế xã có bác sĩ. Trên 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối Internet…

Số hộ nghèo còn 34.409 hộ, giảm 81.648 hộ so với năm 2011 (116.057 hộ), tỉ lệ hộ nghèo còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011 (7,52%); khu vực nông thôn giảm từ 108.669 hộ nghèo (năm 2011) xuống còn 28.528 hộ; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (năm 2011) xuống 
còn 2,89%.

Tỉ lệ xã có đường ôtô đến trụ sở xã được cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 69%; y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới đạt 85%. Tỉ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa đạt 54,5%; 100% thôn làng đã có nhà văn hóa với các trang thiết bị thiết yếu phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, thể thao; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hệ thống trường học và thiết bị dạy học cũng được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn.

Theo: laodong.com.vn