Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Nguyễn Văn Chí, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, TP đã có 06 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; 325 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 84,2% số xã, vượt kế hoạch 02 năm so với mục tiêu của Chương trình. Đến nay, toàn Thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Bên cạnh đó, TP đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đến nay, đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha (đạt 104,6% so với Kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%).
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn TP đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã trên địa bàn Thành phố được kết nối Internet. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%;... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%, vượt trước 02 năm so với mục tiêu Chương trình (95%).
Đáng chú ý, ngân sách Thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2019 là: 76.451 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng, chiếm 0,08%; Ngân sách Thành phố 25.958 tỷ đồng, chiếm 34%; Ngân sách cấp huyện 32.224 tỷ đồng, chiếm 42,12%; Ngân sách xã 3.471 tỷ đồng, chiếm 4,5%; Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3%. Ngoài ra, ngân sách Thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã-hội Thành phố cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân với kinh phí 750 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Từ thành công và cả những hạn chế trong 10 năm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02 của Thành ủy, TP đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền; Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố cần linh hoạt, sáng tạo, thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở; Công tác quy hoạch, xây dựng đề án NTM phải đi trước một bước; Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn; Dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách Thành phố để đầu tư có trong tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng NTM; Chú trọng công tác. đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng NTM ở xã, thôn; Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.