Cần tăng cường cung cấp giống tốt, máy móc thiết bị nông nghiệp tiên tiến cho nông dân
“Cho tiền chưa chắc đã hay”
Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014 do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 15/10, hàng trăm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cùng hơn 20 hiệp hội ngành hàng nông, lâm, thủy sản đã quy tụ về.
Sau nhiều lần giơ tay xin phát biểu, phải chờ đến cuối buổi chiều ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty cây trồng Thái Bình, mới có cơ hội phát biểu.
Điều ông trăn trở nhất là ở nơi vựa lúa ĐBSCL, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận mới chỉ khoảng 20% và người dân phải bỏ ra cả tạ giống để gieo trồng trong khi giống của công ty ông làm ra chỉ gieo trồng khoảng vài chục cân vẫn cho năng suất cao.
Tính ra, nếu gieo cấy với lượng giống như của công ty cây trồng Thái Bình đã tiết kiệm được cả triệu tấn thóc. “Chúng tôi chỉ xin Bộ trưởng tháo tung cơ chế ra cho DN làm. Chứ nếu cho tiền chưa chắc đã hay. Vừa rồi, chúng tôi đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho đầu tư nghiên cứu, chế biến, nhưng Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, chưa thấm vào đâu” - ông Báo nói. Ông cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nên có giải thưởng để tôn vinh các DN nông nghiệp xuất sắc.
Bà Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp đang làm ở Công ty CP Tư vấn đầu tư và phát triển nông nghiệp nêu ý kiến, việc có một số nông dân đang trả ruộng cho Nhà nước là một điều rất phi lý. Dù nước ta xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới, nhưng mới chỉ xuất thô mà chưa biết cách nâng giá trị hạt gạo lên để tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân.
Bà Nga băn khoăn: “Tại sao chúng ta lại để DN nước ngoài vào mua gạo Việt Nam về sản xuất sữa gạo, rồi lại đem bán cho Việt Nam? Ở Pháp, sữa bò chỉ 1 EUR/lít, sữa đậu nành 1,5 EUR/lít còn sữa gạo là 2 EUR/lít. Như thế, giá sữa gạo đắt bằng 2 lần giá sữa bò”. Theo bà Nga, chất lượng gạo của Việt Nam rất tốt, chúng ta cần tận dụng lợi thế này chứ đừng suốt đời chỉ đi làm theo kiểu “lấy công làm lãi” như hiện nay.
Và chuyện tự… bơi
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) đã không giấu nổi bức xúc về việc Chính phủ, Bộ NN&PTNT có nhiều chính sách để hỗ trợ chăn nuôi, nhưng người nông dân vẫn phải tự bươn chải, tự đi thuê đất… mà không có định hướng hay sự trợ giúp gì từ các cơ quan chức năng.
Cả nước hiện có khoảng 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 1,6% trong tổng số DN cả nước, trong đó đa phần là DN nhỏ và vừa. Trong năm 2013, có 1.020 DN trong lĩnh vực này được thành lập mới nhưng số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động lên tới 1.332. |
“Nhiều xã viên trong HTX đang như ngồi trên đống lửa khi tự đi thuê đất trái quy định với một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và nguy cơ đóng cửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Chiến cho hay.
Ngành chăn nuôi được đánh giá sẽ chịu những tác động bất lợi khi các hiệp định về tự do thương mại được ký kết, nhưng họ đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Bỏ cả mấy tỷ ra để thuê đất, xây trang trại, nhưng tài sản đó với ngân hàng chẳng có chút giá trị gì, nên không thể thế chấp để vay vốn.
Nông dân chăn nuôi còn phải gánh chịu thuế VAT khi mua thức ăn chăn nuôi, trong khi “ông lớn” là Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam thì không. Đây là sự bất công, bất hợp lý đối với các trang trại, hộ chăn nuôi. Trước sự bất hợp lý này, Chính phủ đang báo cáo để Quốc hội xem xét loại bỏ thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Sẽ lập báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ
Từ các ý kiến trên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ tập hợp những đề xuất, kiến nghị của DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, hiệp hội ngành hàng.
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường tham mưu các chính sách giúp nông dân trang bị thiết bị cơ khí, đảm bảo áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. “Khi nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn, phải có máy móc. Nhưng nhìn lại, tới 99% động cơ nông nghiệp dùng trong nước là của nước ngoài. Kể cả 129.000 tàu cá, hầu hết là động cơ ô tô cũ của Nhật; chưa kể, máy kéo, máy gặt… Chúng ta có động cơ đâu”, Bộ trưởng nói.
“Các đề tài cứ ngâm nga, rồi bỏ ngăn kéo. Xin đừng đưa cho tôi các báo cáo khoa học, tuyển tập này nọ, vì tôi không có chỗ để. Hãy đưa cho tôi bông lúa nhiều hạt hơn, những giống lúa tốt hơn có lợi cho nông dân”, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Thời gian tới, các viện nghiên cứu cần có những sản phẩm gắn liền với hoạt động sản xuất của DN và nông dân, đặc biệt cần có những giống tốt, kỹ thuật tốt cung cấp cho nông dân.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trên thế giới, 80% những tiến bộ khoa học là sản phẩm của các DN tư nhân có viện nghiên cứu. Và ông rất buồn khi biết thông tin một giống lúa chất lượng thấp, nhưng giá bán còn cao hơn giống của Viện lúa Ô Môn.
Khương Lực (VOV)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn