Từ năm 2008 đến nay, diện tích càphê tại Mường Ảng ngày càng tăng, trung bình mỗi năm huyện trồng mới 250 - 500ha. Đến tháng 10/2012, tổng diện tích càphê tại đây đạt 3.118ha (tăng 2.730ha so với năm 2007), trong đó có 1.407ha càphê kinh doanh, 535ha càphê trồng mới, 1.176ha càphê kiến thiết cơ bản. Năng suất bình quân đạt 31,2 tạ/ha, sản lượng càphê năm 2012 ước đạt gần 4.400 tấn. Có thể nói, nhờ cây càphê mà hàng ngàn lao động trong huyện đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Xác định công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định thành công, Mường Ảng đã chỉ đạo các phòng ban tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái càphê nhằm đảm bảo vườn cây phát triển bền vững, cho năng suất cao, sản lượng ổn định, sản phẩm càphê đạt chất lượng an toàn. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo thành lập Hội Càphê Mường Ảng, gồm 1.034 hội viên, đăng ký tham gia vào Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam; tổ chức đoàn đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ, đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu càphê Mường Ảng. Để khai thác nguồn nhân lực sẵn có, tiềm năng đất đai và huy động tối đa nguồn vốn cho phát triển càphê, Mường Ảng đã quy hoạch vùng sản xuất cây càphê đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, với tổng diện tích 4.360ha. Trong đó, huyện tập trung tổ chức phát triển sản xuất theo 2 hình thức: càphê đại điền và càphê tiểu điền, trong đó càphê đại điền là chủ yếu, áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mường Ảng đang dẫn đầu tỉnh về diện tích càphê. Để phát huy thế mạnh này, huyện sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch thành vùng chuyên canh càphê gắn với sản xuất hàng hóa và chế biến. Để làm được việc này, huyện sẽ có cơ chế, chính sách cho người dân như: đào tạo nghề, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến, bao tiêu sản phẩm cho nông dân”. Ông Kiên cho biết thêm, mặc dù có nhiều thuận lợi, song hiện nay, Mường Ảng cũng gặp không ít khó khăn trong việc đưa càphê trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, đó là kỹ thuật trồng, chế biến không còn phù hợp, thiếu vốn để hỗ trợ nông dân. Để tháo gỡ hạn chế này, huyện rất mong Nhà nước, tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ về đào tạo nghề, bình ổn giá sản phẩm, đặc biệt là bảo hộ cho thương hiệu càphê Mường Ảng. Đình Văn Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn