Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành LĐTB&XH tập trung giải quyết cơ bản các hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng. Ảnh: VGP/Đình Nam
“Nhìn lại việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những hoạt động đã diễn ra trong dịp này cũng là lúc cần đặt ra những việc chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa, những nhiệm vụ đã được nêu trong Chỉ thị 14/CT-TW của Ban Bí thư để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, để bảo vệ, xây dựng đất nước giàu mạnh”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 7 nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị 14 đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng cần được triển khai với một tâm thế, trách nhiệm cao hơn.
Trước hết, ngành LĐTBXH cần tập trung giải quyết những hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ đã tiếp nhận trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản xong tất cả hồ sơ còn tồn đọng.
“Trước đây chúng ta xem xét hồ sơ với tinh thần là hồ sơ phải rất chặt chẽ, đầy đủ bằng chứng thì từ mấy năm nay, tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, qua rất nhiều kiến nghị, bàn bạc từ cấp dưới lên cấp trên ở ngành LĐTB&XH, trong quân đội, báo cáo các cấp có thẩm quyền thì chúng ta quyết định trên tinh thần có những hồ sơ trong thực tế không thể đầy đủ như quy định thì chúng ta bằng nhiều phương pháp để thu thập, minh bạch thông tin và nếu không có khiếu nại, phản ánh theo chiều ngược lại thì chúng ta giải quyết. Đây là điểm rất mới cần phải quán triệt ở tất cả các cấp, các ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là công tác quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phải đẩy mạnh hơn nữa, nỗ lực hơn nữa khi cả nước còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
“Ngay giờ phút này đang có hàng chục, hàng trăm cán bộ đang lăn lộn trong rừng sâu, vùng hẻo lánh của đất nước và cả ở các nước bạn để làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ với tinh thần khẩn trương nhất, thận trọng, khi địa hình tự nhiên ngày càng thay đổi, nhiều người biết thông tin liệt sĩ ngày càng lớn tuổi”, Phó Thủ tướng trăn trở.
Chế độ cho thương binh, liệt sĩ và người có công cũng cần được mở rộng diện đối tượng và nâng mức hỗ trợ phù hợp với khả năng hiện tại, phấn đấu 100% người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng mức sống trung bình của địa phương.
“Không có cách nào khác là phải huy động tất cả hệ thống chính trị, phát động toàn xã hội, người dân với những cách làm truyền thống như xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận nuôi, giúp đỡ thân nhân, con liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam…”.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định bên dưới gắn với ứng dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật để thực hiện tốt hơn các chế độ chính đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
“Những kiến nghị giải quyết hồ sơ người có công có thể kết nối được bằng công nghệ thông tin để tất cả cùng tham gia cung cấp thông tin, đồng thời minh bạch hóa để giám sát nơi nào làm chưa tốt, còn chậm”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ và lưu ý phải nghiêm khắc xử lý những vi phạm trong chế độ chính sách, đặc biệt là trong chính sách người có công.
Điểm cuối cùng được Phó Thủ tướng đề cập đến là qua những hành động, việc làm thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” phải khơi dậy phong trào yêu nước với nhận thức “sự tri ân tốt nhất với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công chính là phải đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”.
“Trước hết cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất để kinh tế phát triển. Làm sao trong thời gian ngắn nhất chúng ta phải củng cố vĩ mô, giải quyết vấn đề môi trường để chuẩn bị cho những bước phát triển nhanh hơn. Nếu không phát triển với tốc độ 7,5-8%/năm thì Việt Nam không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nhưng đi cùng với đó là bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề xã hội, khơi dậy cái tốt, đẩy lùi cái xấu, những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống”, Phó Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Bộ LĐTB&XH, trên cơ sở kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hiện có khoảng 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng. Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt, nhằm kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ.
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 498 liệt sĩ.
Ngân sách Nhà nước đã dành tổng cộng khoảng 1.392 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc người có công với cách mạng.
Về hỗ trợ người có công với cách mạng xây mới, sửa chữa nhà ở, tính đến ngày 31/5/2017, cả nước có 116.967 hộ đã hoàn thành hỗ trợ, đang triển khai hỗ trợ cho 6.787 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ.
Ngày 25/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 là 313.707 hộ; kinh phí cần bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí).
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, trong tháng 10 tới, Bộ LĐTB&XH sẽ thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh Người có công, trong đó có 11 nội dung sửa đổi để thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 14; tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có hồ sơ tồn đọng đang lưu trữ tại Sở LĐTB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Phấn đấu đến năm 2018 cơ bản số hóa công tác quản lý tra tìm dữ liệu về người có công và thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Đến năm 2020, sẽ số hóa mọi thủ tục hành chính về công tác chính sách đối với người có công trên phạm vi toàn quốc.
Đình Nam
http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn