Cánh đồng mẫu lớn thành công được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khâu giải quyết vấn đề gia tăng lợi ích cho người nông dân.
Một kinh nghiệm ở Nam Định rất đáng để cho nhiều địa phương tham khảo... Từ lâu giới SX giống vẫn truyền khẩu nhau câu “Nam sản Bắc tiêu”. Điều đó hoàn toàn chính xác bởi miền Nam, miền Trung - Tây Nguyên có những điều kiện cực kỳ ưu đãi cho SX giống như tiểu khí hậu, như thổ nhưỡng nhưng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào nó rất dễ bị thất bại.
Mươi năm về trước, hàng loạt Cty giống ở miền Bắc đua nhau vào miền Nam liên kết làm ăn nhưng chỉ được mấy vụ đều đường ai nấy đi.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết bất quy luật gây khó đã đành, chi phí cho SX mỗi ngày một tăng trở thành một nguyên nhân chính của việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Ví dụ như chi cho HTX liên kết làm giống 1.500 đ/kg, sấy 500 đ/kg, vận tải ra đến miền Bắc 2.000 đ/kg rồi là thuốc BVTV, bảo lãnh năng suất... khiến cho giá lúa giống SX trong Nam đội lên 5.000 - 6.000 đ/kg.
Bởi thế, nếu giống ở miền Bắc năng suất 2 tấn/ha thì trong Nam năng suất phải 3 tấn/ha mới tương đương về mặt hiệu quả.
Gặp khó trong Nam, các DN phía Bắc lại tính chuyện đầu tư SX giống ngay trên sân nhà. Một bất lợi lớn ở đây là ruộng đồng manh mún, là chuyện kết hợp với các HTX cũng có nhiều rủi ro. Không có các chương trình khuyến nông hay hỗ trợ thì SX dễ bề đổ bể.
Từ những thất bại cay đắng với việc làm giống ở trong Nam, với liên kết cùng các HTX, ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh, Nam Định) nghĩ đến cách phải tích tụ đất đai bằng thuê ruộng của dân rồi khoán cho người dân tự làm dưới sự giám sát của mình.
Làm được như thế, chất lượng của giống được kiểm soát từ công đoạn cấy đến thu hoạch đã đành mà còn tiết kiệm vì SX trên diện tích lớn có nhiều lợi thế hơn là những mảnh ruộng manh mún của các xã viên.
Trước đây gieo mạ từng hộ gia đình, phun thuốc bằng bình cá nhân, gặt bằng tay giờ gieo chung, phun bình lớn, gặt máy, một hộ gia đình có thể đảm nhiệm 5 - 10 mẫu với chi phí giảm được quá nửa.
Nghĩ là thực hiện, mấy năm nay Cường Tân bắt tay vào việc thuê đất. Với mức giá 50 - 60 kg/sào/vụ trong khi dân không mất tí gì chi phí, trong khi sổ đỏ vẫn giữ trong tay thì tội gì mà không cho thuê?
Thuê xong đất Cường Tân không giữ lại để tự SX mà cho chính người nông dân ký hợp đồng thuê lại làm giống để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Trên cánh đồng giống 40 ha ở xã Trực Hùng có dăm bảy trưởng nhóm như ông Vịnh trong đó trẻ nhất có lẽ là anh Lã Văn Minh. Trước hai vợ chồng Minh làm công nhân ở trong Nam nhưng sau đó bỏ về quê nhận 6 mẫu ruộng khoán của Cty. Anh bảo hiện thời thu nhập ổn định, tích lũy được 40 - 50 triệu đ/năm, còn cao hơn thời kỳ cả hai vợ chồng làm công nhân. Thu nhập từ ruộng đồng không những đủ trang trải cho cuộc sống của 5 thành viên gia đình mà còn giúp anh chị xây dựng được một căn nhà mới rất khang trang…
Cánh đồng mẫu lớn ở miền Bắc có đặc thù liên quan đến cả ngàn hộ dân nên chỗ ký hợp đồng theo hộ, chỗ ký hợp đồng theo xóm, cái nào cũng cần có chứng nhận của xã để làm bằng. Cường Tân đã tích tụ được hơn 300 ha đất theo cách như vậy với thời gian thuê trung bình từ 5 - 10 năm.
Trên các cánh đồng mẫu lớn của Cty có 100 ông trưởng nhóm là những nông dân ký hợp đồng đảm nhiệm SX. Gia đình trưởng nhóm nếu con cái lớn thì không phải thuê thêm người làm nhưng con nhỏ sẽ phải thuê khoảng hai lao động. Mỗi hộ đảm nhiệm 3 - 4 ha, tự quản lý người lao động trong nhóm.
Không đạt về chất lượng là phạt, không đạt về năng suất là thiệt thòi, chả cần phải nhắc nhở nhiều. Số lao động dư thừa sau khi cho thuê đất có thể rút ra làm công nghiệp, làm dịch vụ hoặc đi làm thuê cho chính các ông trưởng nhóm.
Vụ này 320 ha SX hạt lai F1 của Cường Tân được mùa lớn với năng suất 2,7 tấn/ha. Tôi về Trực Ninh đúng ngày mùa. Trên trời nắng chói chang, dưới đồng lúa vàng lóa mắt.
Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, ông Đặng Văn Vịnh ở xóm 12 xã Trực Hùng có 8 sào ruộng cho Cty thuê với mức giá 65 kg thóc thịt/sào/vụ.
Sau khi tập trung vào một mối, toàn bộ ruộng đất được quy hoạch lại thủy lợi, đắp lại bờ bao rộng để xe cơ giới vào ra dễ dàng, kéo đường điện ra tận nơi rồi cho các trưởng nhóm thuê.
Ông Vịnh lại thành một trưởng nhóm như vậy khi nhận thuê 10 mẫu để tổ chức SX cũng với mức giá 65 kg thóc thịt/sào/vụ quy ra thành tiền.
Vậy là mỗi vụ ông phải trả cho Cty 6,5 tấn thóc thịt. Đổi lại ông được Cty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, một phần thuốc trừ sâu, được hướng dẫn tỉ mỉ KHKT... được nhập lại thóc giống cho Cty với giá khoảng 30.000 đ/kg (tùy thời điểm).
Để có thể SX được 10 mẫu ruộng ông Vịnh đầu tư mua máy cày, máy bơm nước, máy phun thuốc… tổng cộng hết trên 100 triệu đồng.
Tự mình làm hết mọi công đoạn thì mới hiệu quả. Gia đình ông Vịnh có 5 người làm, lãi mỗi vụ 30 triệu, lãi mỗi năm được khoảng 60 - 70 triệu.
“Ngày trước khi còn cấy lúa thịt, bờ bao chỗ vỡ chỗ còn lội xuống rất khó, phun thuốc bằng bình đeo lưng, thu hoạch bằng tay, 8 sào ruộng đó nhà tôi vất vả tối ngày mà được mùa cũng chỉ kiếm 1 - 2 triệu. Nghĩ mà sợ! Nếu phải quay lại như thế chắc là tôi bỏ ruộng luôn”.
Theo: nongnghiep.vn