Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại buổi sơ kết.
Cánh đồng mẫu lớn hiệu quả cao
3 năm (2011- 2013), Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện 6 đề án, chương trình; 41 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả, đồng thời tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đơn cử năm 2012, Hải Phòng đã triển khai thí điểm xây dựng 3 mô hình ”cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa, với diện tích 30ha/mô hình, từ đó đã cho năng suất cao hơn từ 8,0 đến 15,22% so với sản xuất đại trà; chi phí giảm rõ rệt từ 2,5 đến 5% (giảm giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…); tổng thu cao hơn từ 21,29 đến 26,68%, lãi thuần tăng từ 8,8 đến 11 triệu đồng/ha.
Năm 2013, Hải Phòng đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình cánh đồng mẫu lớn về lúa và rau màu, với diện tích 410 ha, với tổng kinh phí hỗ trợ 8.303,33 triệu đồng, hỗ trợ người dân 50% chi phí mua máy cơ khí nông nghiệp để thực hiện 6 mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa trên diện tích 790 ha tại 6, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hộ nghèo giảm mạnh
Hải Phòng có 39 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề đã được UBND TP. Hải Phòng công nhận đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 3 năm qua, Hải Phòng đã tổ chức 253 lớp dạy nghề, với gần 10.000 người tham gia, chính các làng nghề đã thu hút, đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 20 đến 60 triệu đồng/năm cho trên 15.300 lao động nông thôn, góp phần đưa đời sống nhân dân nông thôn cải thiện và ổn định. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,53% năm 2011 xuống còn 6,39% năm 2012; năm 2013 ước tính còn 5,67%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hải Phòng năm 2011 là 19,423 triệu đồng, năm 2012 là 21,827 triệu đồng, và năm 2013 là 24,366 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đã có 100% các tuyến đường liên huyện được rải nhựa đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng; trên 90% đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt tiêu chuẩn đường loại A và số xã đạt tiêu chí giao thông là 11 xã, đạt tỷ lệ 7,9%. Tổng số vốn đầu tư phát triển XDNTM từ hệ thống trạm trường, đường giao thông... được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã bố trí trong 3 năm đạt 1.592,659 tỷ đồng (ngân sách trung ương 663,882 tỷ đồng; ngân sách thành phố 820,667 tỷ đồng.
Để chương trình XDNTM đem lại hiệu quả cao, Hải Phòng kiến nghị Bản chỉ đạo Trung ương có ý kiến tới Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách, trong đó điều chỉnh tỷ lệ trích nguồn thu nộp ngân sách Trung ương để lại cho thành phố để cân đối cho XDNTM; hỗ trợ kinh phí đầu tư cho lưới điện nông thôn, đê biển tránh bão lũ... |
Đẩy mạnh phát triển nông thôn mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng - ông Đỗ Trung Thoại cho biết, tính đến hết tháng 3/2013, bình quân toàn thành phố Hải Phòng đạt 10,83 tiêu chí nông thôn mới.
Năm 2014 Hải Phòng sẽ phấn đấu bình quân toàn thành phố đạt 11-12 tiêu chí/xã. Đặc biệt có từ 10 - 15 xã hoàn thành XDNTM, tập trung chỉ đạo đầu tư đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2015 có 41 xã (30% tổng số xã) hoàn thành. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015 Hải Phòng phấn đấu có 41 xã (tương ứng 30% số xã) hoàn thành XDNTM.
Tuy nhiên, để đạt được con số đó, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và đặc biệt cần phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đối với việc tổ chức thực hiện chương trình XDNTM để đưa Hải Phòng từng bước phát triển mạnh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tp. Hải Phòng đã đạt được. Thứ trưởng cũng đề nghị, Hải Phòng cần có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu hoàn thành 41 xã trong năm 2015; huy động vốn hiệu quả... Đặc biệt cần quan tâm và ưu tiên làng nghề truyền thống có hiệu quả cao.
Kim Tuyến
Nguồn baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn