Lan toả vốn vay
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, từ năm 2012, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, chương trình hỗ trợ về vốn cho DN được thành phố tập trung triển khai quyết liệt từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện. Theo đó, năm 2013, đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và DN có ứng dụng công nghệ cao), các NH đã giải ngân được 127.202 tỷ đồng cho hơn 37.000 khách hàng vay, tăng 49% so cuối năm 2012. Trong đó, cơ cấu cho vay đối với DN vừa và nhỏ tăng cao nhất, tăng 70% (81.120 tỷ đồng/47.716 tỷ đồng) và chiếm tỷ lệ 64% dư nợ trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Hiện lãi suất áp dụng cho chương trình này tối đa 9%/năm.
Dây chuyền sản xuất lon bao bì ở Công ty cổ phần In và Bao bì Mỹ Châu (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Cùng với đó, chương trình kết nối NH - DN được triển khai tại 24 quận, huyện đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, có trên 600 doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã thuộc nhiều lĩnh vực như dệt may, thực phẩm, hóa chất, sắt, thép, nông sản… đã tiếp cận được nguồn vốn NH với lãi suất dưới 9%/năm cho ngắn hạn và từ 9% đến 12%/năm cho trung, dài hạn. Tổng số tiền giải ngân đến nay là hơn 11.800 tỷ đồng, đạt 90% tổng số tiền cam kết (13.151 tỷ đồng). Ngoài ra, chương trình kết nối còn mở rộng đến các DN đặc thù như: DN tham gia chương trình bình ổn giá với số vốn ký kết là 1.960 tỷ đồng; tiểu thương kinh doanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống với số vốn ký kết trên 1.000 tỷ đồng và dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, các tiểu thương đã vay 1.500 tỷ đồng.
Mặc dù quy mô và số lượng DN được hỗ trợ thông qua chương trình vẫn ở mức độ nhất định so với số lượng DN trên địa bàn, song đã phần nào góp phần khởi sắc trong việc tăng trưởng kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh. Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 5,21% so với cuối năm 2012. Điều này thể hiện những giải pháp hỗ trợ DN, phát triển sản xuất, kinh doanh của thành phố, trong đó có chương trình kết nối NH - DN thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Mở rộng lĩnh vực cho vay
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, định hướng điều hành tín dụng năm 2014 của NHNN là các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN theo cơ chế chính sách và những giải pháp đang thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các DN, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt từ 12-14%. Theo đó, ngoài mở rộng các đối tượng tham gia chương trình kết nối NH - DN trong năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng thêm 3 lĩnh vực ưu tiên được nằm trong diện cho vay vốn trung dài hạn, gồm: DN đổi mới máy móc có công nghệ mới, DN ứng dụng công nghệ cao (nano, sinh học…) và công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, để chương trình không đơn thuần giải quyết nhu cầu vốn ngắn hạn cho DN với lãi suất thấp, phục vụ cho nhu cầu tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, năm 2014, NH muốn cung ứng vốn tín dụng theo hình thức trung dài hạn để “đón đầu” dòng đầu tư mới của DN. Theo đánh giá của các NH, trong năm 2014, nhu cầu vay vốn của DN sẽ lên tới 40.000 tỷ đồng. Nhưng để giữ lãi suất cho vay hợp lý, UBND TP Hồ Chí Minh đang xem xét đưa ra mức lãi suất ưu đãi cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, do lãi suất huy động 3 năm nay không tăng và nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, nên việc đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn sẽ khó tìm được nguồn cung ứng vốn. Để giải quyết vướng mắc này, các chuyên gia đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh nên trích ngân sách ra để cấp bù lãi suất hỗ trợ một phần những DN đầu tư mới. Hoặc, NHNN có thể xem xét để tái cấp vốn đối với những NH có tỷ trọng cao trong cho vay dự án đầu tư mới có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng lo ngại, tình trạng nợ xấu gia tăng khiến cho các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong các khoản cho vay nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói riêng. Việc cho DN vay cũng gặp khó khăn từ một số địa phương trong quá trình thẩm định vay, thu hồi nợ, xử lý tài sản thế chấp… Bản thân các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi cho các DNVVN vay trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh do phần lớn các DNVVN có quy mô hoạt động nhỏ, sản xuất không ổn định… Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh khuyến nghị, để chương trình kết nối NH - DN lan tỏa và đạt hiệu quả cao, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực của Nhà nước, quan trọng nhất vẫn là bản thân các DN phải rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, hạn chế đầu tư dàn trải, xác định rõ chiến lược, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, tạo niềm tin cho bạn hàng, công chúng.
Hải Yên
Theo baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn