Tập huấn hiện trường kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
những hoạt động đó nhằm giúp cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện có hiệu quả “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020.
I. Nội dung hoạt động khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới
Hoạt động khuyến nông phục vụ XD NTM trong những năm qua đã trực tiếp tham gia thực hiện các tiêu chí sau:
1. Tiêu chí số 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất
Hệ thống khuyến nông cả nước đã tham gia cùng các đơn vị và hầu hết các địa phương để thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp như: quy hoạch sản xuất lúa, ngô, rau an toàn, cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản…
2. Tiêu chí số 10: Thu nhập cho nông dân
Trực tiếp giúp nông dân sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn cách làm cũ, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân;
3. Tiêu chí số 11: Hộ nghèo
Trực tiếp giúp nông dân cách làm ăn để thoát nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2005 – 2010 (áp dụng chuẩn nghèo cũ): đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 18,1% (năm 2006); 14,75% (năm 2007); 12,1% (năm 2008); 11,3% (năm 2009) và 9,45% (năm 2010).
Đối với giai đoạn 2010- 2013 (áp dụng chuẩn nghèo mới): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), năm 2013 còn khoảng 7,6%-7,8%.
4. Tiêu chí số 12: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên
Hệ thống khuyến nông đã tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để có thêm việc làm, tăng thu nhập.
5. Tiêu chí số 13: Tổ chức sản xuất
Trực tiếp thông tin tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về liên kết sản xuất, thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật để thúc đẩy hình thành và hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, , doanh nghiệp, chủ trang trại trong nông thôn.
Trực tiếp hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất, cánh đồng mẫu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
6. Tiêu chí số 14: Giáo dục
Khuyến nông trực tiếp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, tập huấn đào tạo và huấn luyện “ngoài trường học” cho nông dân, những người thiệt thòi do khách quan trước đây chưa được tham gia đầy đủ vào hệ thống giáo dục trong nhà trường.
7. Tiêu chí số 17: Môi trường;
Khuyến nông tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật (hạn chế dùng thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, xử lý chuồng trại, xử lý chất thải trong chăn nuôi, phế thải làng nghề…) là góp phần bảo vệ môi trường.
Các tiêu chí mà hoạt động khuyến nông tham gia:
1. Tiêu chí về Thuỷ Lợi: hướng dẫn tưới tiêu, sử dụng nước tiết kiệm, bảo về nguồn nước, trồng rừng đầu nguồn, rừng chắn sóng…
2. Tiêu chí về Cơ sở hạ tầng, Văn hoá: hệ thống khuyến nông đã xây dựng các Câu lạc bộ khuyến nông gắn với thực hiện nếp sống văn hoá, xây dựng tủ sách văn hoá, khoa học kỹ thuật trong nông thôn.
3. Tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh: thực hiện bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông, KNV thuộc lực lượng cán bộ cấp xã.
Trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ đạo tổ chức thực hiện thông qua các hình thức, nội dung hoạt động phục vụ XD NTM như sau:
- Tuyên truyền các đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thôn tin đại chúng, tài liệu Bản tin khuyến nông… về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho cán bộ cơ sở và nông dân để phát triển sản xuất;
- Phổ cập kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho nông, ngư dân để nắm bắt và áp dụng vào thực tiến sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất;
- Xây dựng các mô hình trình diễn về kỹ thuật sản xuất mới, trình diễn về giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao, các mô hình sản xuất an toàn sinh học áp dụng theo VietGAP, sản xuất bền vững để nông dân học tập và áp dụng;
- Giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương nông dân sản xuất giỏi, các chủ trang trại có hiệu quả… để nông dân học tập và áp dụng; giới thiệu các địa chỉ xanh cung cấp giống, vật tư và thu mua tiêu thụ sản phẩm có uy tín cho nông dân liên hệ phục vụ sản xuất;
- Tư vấn kỹ thuật kỹ thuật cho nông dân (trả lời tư vấn qua điện thoại, trang Web, truyền hình… giúp nông dân giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất.
II. Những kết quả hoạt động khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới
1. Về thông tin tuyên truyền với XD NTM:
- Hàng năm TTKNQG phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương như: Đài TNVN, Đài THVN, Báo NNVN, Báo KTNT, Báo NTNN, VTC16... thực hiện toạ đàm phục vụ XD NTM, đăng tải trên 1.000 tin, bài, ảnh trên các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về NTM. Với sự đa dạng về nội dung và hình thức tuyền truyền đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân dẽ dàng tiếp cận với các thông tin để phục vụ sản xuất nông nghiệp xây dựng NTM.
- Xây dựng chuyên mục "Nông thôn mới" trên Bản tin Khuyến nông Việt Nam và trang web Khuyến nông Việt Nam nhằm cung cấp các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn về Chương trình xây dựng nông thôn mới; Tình hình triển khai thực hiện và các kết quả đạt được; Những mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình tiên tiến về XD NTM ở các địa phương trong cả nước. Mỗi năm có hàng trăm tin, bài, ảnh do cán bộ, cộng tác viên khuyến nông gửi về phản ánh các hoạt động khuyến nông, sản xuất nông nghiệp ở các điểm XD NTM. Bản tin và trang web KNVN đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ KN các cấp và đông đảo bà con nông dân, được đánh giá cao về nội dung, chất lượng và hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp và XD NTM.
- Tổ chức các sự kiện KN như: diễn đàn, hội thi gắn với chủ đề xây dựng nông thôn mới như Diễn đàn "Hoạt động KN gắn với xây dựng NTM"; Hội thi Thanh niên làm khuyến nông giỏi tại Vùng Đông Bắc, và Bắc Trung bộ với nội dung “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới..” với sự tham gia của 650 đại biểu đến từ 12 tỉnh/thành. Các hoạt động sự kiện khuyến nông đã thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ KN, nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia để bàn về các giải pháp nhằm giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển và xây dựng NTM. Hoạt động thông tin tuyên truyền KN này được các địa phương đánh giá cao vì nội dung chương trình thiết thực, giải quyết kịp thời những vấn đề nóng trong sản xuất và tạo điều kiện để cán bộ và nông dân các địa phương có điều kiện giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong xây dựng NTM.
Các nội dung tuyên truyền trên đều trực tiếp và tham gia vào 10 tiêu chí phục vụ XD NTM mà hệ thống khuyến nông tham gia.
2. Về đào tạo huấn luyện
2.1. Tập huấn ToT và tập huấn cho cán bộ KN và nông dân chủ chốt về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành
Hoạt động đào tạo tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân về XD NTM. Tập huấn ToT về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản…gắn với tình hình sản xuất của địa phương, giúp cho cán bộ KN có đủ năng lực để tập huấn cho nông dân. Kết quả trong 5 năm 2010-2014, từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương đã triển khai được 1.522 lớp tập huấn cho 45.659 cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt, trong đó ưu tiên thực hiện với nông dân ở các xã điểm XD NTM. Biên soạn hàng trăm bộ tài liệu và đĩa hình để phục vụ công tác tập huấn khuyến nông cho cán bộ cơ sở và nông dân… để các lực lượng này chủ động trong hoạt động XD NTM.
Đặc biệt trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 03 lớp về nghiệp vụ khuyến nông gắn với nông thôn mới cho 90 cán bộ khuyến nông các tỉnh/TP với mục tiêu giúp học viên: hiểu được sự cần thiết của chương trình xây dựng nông thôn mới, nắm được nội dung cơ bản của chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong XD NTM.
Nội dung đào tạo tập huấn cho CBKN và cán bộ cấp xã, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho cán bộ khuyến nông các cấp đã trực tiếp phục vụ việc xây dựng lực lượng cán bộ trong hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện tiêu chí số 18 (Hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh) và gián tiếp thực hiện tiêu chí số 10 (Thu nhập), tiêu chí số 13 (Tổ chức sản xuất) và tiêu chí số 17 (Môi trường).
2.2. Hoạt động Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:
Việc thực hiện thí điểm đào tạo nghề cho một số xã NTM trong 11 xã NTM của Trung ương năm 2010-2011 (xã thuỵ Hương - Hà Nội, Tân Thông Hội-TP HCM, xã Định Hoà -Kiên Giang, xã Thanh Chăn - Điện Biên, xã Tân Thành-Đồng Xoài, Bình Phước), từ 2011 đến nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở hầu hết các tỉnh. Tổ chức 124 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm và cấp chứng chỉ “Kỹ năng dạy học” cho 3.703 cán bộ khuyến nông các cấp có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đến nay đã có 32/63 Trung tâm khuyến nông tỉnh, thành phố đã được cấp đăng ký đủ điều kiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Từ nguồn kinh phí trung ương đã tổ chức được 176 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 5.296 lao động nông thôn.
Hiện nay một số xã điểm nông thôn mới như: Tân thông Hội (TP HCM) đạt 16/19 tiêu chí, xã Thuỵ Hương (Hà Nội) đạt 14/19 tiêu chí NTM.
Số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề còn chưa nhiều nhưng kết quả của nó đã thực sự đóng góp rất lớn trong việc nâng cao hiểu biết về kỹ thuật nuôi, trồng một số cây con chủ lực của các địa phương, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp họ tự tin áp dụng kiến thức được học vào sản xuất gia đình, tiết kiệm được chi phí thuê lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể nói đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã nâng cao kỹ năng lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân góp phần XD NTM.
3. Chuyển giao TBKT, xây dựng mô hình trình diễn
Thực hiện Nghị quyết 26/NQTW về “Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM” và Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT gia TTKNQG lựa chọn TBKT về cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh và chiến lược của địa phương và điều kiện sản xuất của nông dân. Việc thực hiện các mô hình đều ưu tiên gắn với các xã có phong trào XD NTM, góp phần chuyển giao TBKT mới vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các nội dung chuyển giao TBKT phục vụ XD NTM bao gồm:
3.1. Chuyển giao TBKT về trồng trọt:
Dự án XDMH ứng dụng TBKT nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số xã nông thôn miền núi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, năm 2014:
Dự án đã triển khai tại 11 điểm xã xây dựng nông thôn mới thuộc 3 tỉnh : Tỉnh Tuyên Quang (xã Năng Khả -huyện Na Hang, xã Kim Bình - Chiêm Hóa, và xã Tân Trào –Sơn Dương); tỉnh Hà Giang (xã Hùng An - huyện Bắc Quang, xã Sủng Là - Đồng Văn, xã Trung Thành - Vị Xuyên); tỉnh Phú Thọ (xã Thượng Nông - Tam Nông, xã An Đạo, Phù Ninh -huyện Phù Ninh).
Tại các xã nông thôn mới đã tổ chức triển khai thực hiện 3 loại mô hình:
+ Mô hình trồng trọt: triển khai thực hiện 6 điểm với các loại mô hình: Thâm canh chè, Sản xuất rau an toàn, Sản xuất lúa chất lượng, Sản xuất lạc...Mô hình Sản xuất lúa chất lượng (các giống lúa BG1 và RVT) tại Tuyên Quang và Phú Thọ đều cho năng suất cao hơn sản xuất đại trà 3-4 tạ/ha, thu lãi cao hơn từ 9-18 triệu đồng/ha. Mô hình Sản xuất dưa chuột F1 VL103 của Nhật Bản tại Phú Thọ cho năng suất 41,4 tấn/ha (cao hơn 5,5 tấn/ha so giống địa phương), thu nhập tăng 19 triệu đồng/ha.
+ Mô hình chăn nuôi: triển khai 2 điểm với mô hình chăn nuôi gà thả vườn (quy mô 4.000 con) và mô hình vỗ béo bò (100 con). Các mô hình đang triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và người dân thực hiện đúng theo hướng dẫn kỹ thuật, ước đạt kết quả và hiệu quả kinh tế cao.
+ Về mô hình thủy sản: triển khai thực hiện tại 2 điểm với mô hình Nuôi cá rô phi đơn tính (2 ha): cá đã thả được 3 tháng, sinh trưởng phát triển tốt, nông dân rất phấn khởi vì sản xuất theo cách làm mới là thả chuyên canh 1 loại cá (trước kia đa canh nhiều loại). Đến nay trọng lượng cá đã đạt 0,4-0,5 kg/con – đạt chỉ tiêu tăng trưởng trọng lượng theo yêu cầu của DA.
Dự án phát triển sản xuất nấm tập trung ở một số tỉnh phía Bắc:
Triển khai tại 8 tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Dự án đã triển khai 6/8 tỉnh tại các xã điểm đang xây dựng nông thôn mới. Có tổng số 25 điểm thực hiện tại xã điểm nông thôn mới, với quy mô 1.250 tấn nguyên liệu, sản xuất 3 chủng loại nấm: sò, rơm, mộc nhĩ, với 250 hộ tham gia (trong 2 năm 2013-2014). Có 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên thực hiện 100% thực hiện mô hình tại xã nông thôn mới. Tại mỗi điểm tổ chức 1 tổ, nhóm hợp tác sản xuất nấm ăn (từ 1-2 chủng loại nấm) với quy mô 50 tấn nguyên liệu (có 10 hộ tham gia hợp tác sản xuất). Các nhóm hộ tổ chức sản xuất tập trung, có kế hoạch và lên phương án sản xuất, liên kết tiêu thụ.
Tại mô hình các hộ được tập huấn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới... đã nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nấm lên gấp 1,5 – 2,0 so với ngoài mô hình. (có 2 tỉnh Hải Dương và Thái Bình không triển khai tại xã nông thôn mới).
Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa:
Dự án thực hiện từ năm 2014 đến 2016, đã triển khai ở 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 11/13 tỉnh thực hiện tại xã điểm nông thôn mới của tỉnh và huyện. Dự án có 670 ha/790 ha với 960 hộ thực hiện tại xã điểm NTM. Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gieo sạ lúa giảm được từ 50 đến 100 kg giống/ha, giảm sử dụng phân đạm và bón phân cân đối NPK, giảm 2 lần phun thuốc BVTV, thực hiện kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (nông - lộ - phơi), góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Vụ Hè Thu 2014 đã có 4 đơn vị thu hoạch lúa, chi phí giảm từ 1 đến 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất đại trà từ 3 đến 4 triệu đồng/ha, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, từng bước chuyển đổi tập quán và nhận thức của nông dân từ gieo sạ dầy sang sạ thưa, bón phân và tưới nước tiết kiệm, hợp lý.
Dự án sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên:
Dự án thực hiện tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, trong đó có mô hình tại tỉnh Đắk Nông thực hiện tại xã xây dựng nông thôn mới là Xã Nhân Cơ (thuộc huyện Đăk Rlấp). Mô hình thực hiện với diện tích 30 ha với 60 hộ tham gia, áp dụng kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo bộ nguyên tắc 4C và mô hình sẽ được đánh giá trên 3 phương diện: kinh tế, môi trường, xã hội và sẽ được Tổ chức chứng nhận thanh tra độc lập đánh giá, cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2014.
Dự án xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm:
Dự án triển khai tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Năm 2014, dự án triển khai tại 2 điểm thuộc 2 xã xây dựng nông thôn mới là: Xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận): 30 ha và Xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang): 20 ha. Số hộ tham gia là 80 hộ. Mô hình đã hỗ trợ các hộ nông dân tham gia mô hình thâm canh trên diện tích thanh long đang sản xuất, đồng thời hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất thanh long theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất thành long.
3.2. Chuyển giao TBKT về chăn nuôi:
- Chương trình cải tạo đàn bò
Giai đoạn 2011-2013 TT KNQG đã chỉ đạo và thực hiện thực hiện các dự án như Cải tạo đàn bò, Chăn nuôi bò cái sinh sản. Chương trình triển khai cải tạo nâng cao tầm vóc và tỷ lệ thịt xẻ của đàn bò Việt Nam bằng cách áp dụng TBKT lai tạo giữa bò đực giống Red Sindhi, Brahman với bò cái nền Việt Nam thông qua bình tuyển chọn lọc đực và cái giống tốt, có máu lai cao đưa vào cải tạo, đồng thời áp dụng công nghệ TTNT. Dự án đã chuyển giao bò đực giống ¾ máu Sind lai với bò cái nền địa phương hoặc cái đã lai để cải tạo tầm vóc và khối lượng, nâng cao phẩm chất thịt. Dự án thực hiện ở 21 xã NTM thuộc 10 tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Phước với tổng quy mô 2050 con, 1015 hộ tham gia.
Một số địa bàn triển khai đạt kết quả cao là xã Ba Trại, Ba Vì – Hà Nội, xã Hướng Đạo, TaM Dương - Vĩnh Phúc, xã Hương Nộn, Tam Nông - Phú thọ. Kết quả chuyển giao cho thấy một số kết quả như: tỷ lệ phối chửa lần đầu đạt trên 75%, khối lượng bê sơ sinh từ 20 -20,5kg/con. Góp phần tăng tỷ lệ máu bò lai tại các địa phương chuyển giao.
- Dự án Chăn nuôi trâu sinh sản trong nông hộ
Dự án thực hiện ở 9 xã NTM thuộc 9 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Chương trình khuyến nông cải tạo đàn trâu chủ yếu tập trung vào công tác chọn lọc cá thể trâu giống có phẩm chất và ngoại hình nổi trội để đưa vào làm giống và cho lai tạo, cùng việc kết hợp và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thông qua tập huấn để nâng cao tỷ lệ phối chửa cho trâu. Các địa bàn triển khai cho kết quả tốt là Thanh Hóa, Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phối chửa cho trâu tham gia dự án đã tăng lên đạt trên 60%, trọng lượng nghé sơ sinh đạt bình quân 22-24kg/con. Qua đánh giá của địa phương cho thấy: việc lựa chọn trâu có ngoại hình to, khỏe cho lai xa đã giúp phát huy ưu thế lai, giảm hiện tượng cận huyết, khối lượng nghé sơ sinh lớn hơn, đặc biệt tỷ lệ thụ thai cao hơn so với chăn nuôi thông thường.
- Chăn nuôi lợn
Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ nhằm nâng cao chất lượng giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sử dụng tinh lợn đực giống ngoại hoặc lai chất lượng cao (giống Pietran, Duroc, Yorkhire, Landrace…) thay thế lợn đực giống không đảm bảo chất lượng trong nông hộ, nhằm tăng tỷ lệ sống của lợn con cho các đàn lợn nái, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 5/2014, đã thực hiện với 28 xã NTM ở 14 tỉnh vùng MNPB, Bắc trung bộ và Nam Trung bộ với quy mô 100 lơn đực giống (50 hộ tham gia) và 37.900 lợn nái (3.500 hộ tham gia). tập trung nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới như truyền tinh nhân tạo lợn, sử dụng nái lai hai máu, cai sữa sớm lợn con, nuôi lợn nái đẻ và lợn con trên chuồng lồng, áp dụng công nghệ khí sinh học để xử lý chất thải, tăng cưởng bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đồng thời khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học trong nông hộ.
3.3. Chuyển giao TBKT về thủy sản
Hoạt động khuyến ngư trong những năm qua đa thực hiện các dự án có hiệu quả như: Dự án phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP: Trong 10 tỉnh tham gia dự án có 17 xã, trong đó có 5 xã nông thôn mới là xã Cạm Thịnh Đông – huyện Cam Ranh – tỉnh Khanh Hòa, xã Vĩnh Tân – TX. Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng, xã Xuân Phổ - huyện Nghi Xuân, xã Diễn Trung – Diễn Châu – Nghệ An, xã Quỳnh Yên – Quỳnh Lưu – Nghệ An. Tổng quy mô 22 ha với 46 hộ tham gia xây dựng mô hình. Quy mô mỗi hộ 0,4 ha với mô hình tôm thẻ chân trắng, 1 ha đối với mô hình tôm sú. Từ những vùng đất cát thường bỏ hoang nay với kỹ thuật nuôi tôm trên cát nhiều vùng đã trở thành vùng nuôi tôm với năng suất, sản lượng cao, tạo nguyên liệu cho xuất khẩu thuỷ sản cũng như làm thay đổi cơ cấu kinh tế và đời sống của người dân vùng ven biển. Một số mô hình nuôi Tôm sú, Tôm he chân trắng đã cho năng suất 8-10 tấn/ha, cá biệt 10-12tấn/ha mang lại hàng trăm triệu đồng tiền lãi /ha/năm.
Dự án XDMH nuôi cá lồng hồ chứa thực hiện ở 12 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 8 tỉnh thực hiện tại xã XD NTM, quy mô 100m3 lồng với 2 hộ tham gia/xã, gồm có: xã Quang Húc (Tam Nông, Phú Thọ), xã Bã Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), xã Khang Linh (Ba Bể) và Kim Lư (Na Rì) tỉnh Bắc Kạn, Xã Long Phú (Tân Lạc, Hoà Bình), xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La), xã Vĩnh Kiên (Yên Bái…; 4 tỉnh thực hiện tại xã khó khăn 135. Dự án chuyển giao kỹ thuật mới nuôi lồng bè trên hồ chứa giúp người dân xung quanh vùng lòng hồ có công ăn việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, hạn chế phá rừng đầu nguồn, tận dụng tiềm năng diện tích nước mặt. Mỗi hộ thực hiện mô hình đã cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng.
Trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản: công tác khuyến ngư đã tuyên truyền và tập huấn, hướng dẫn để người dân chuyển đổi từ khai thác ven bờ với phương tiện nhỏ, thủ công. Mạnh dạn đóng mới tàu lớn, trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng các thiết bị mới, cải tiến ngư cụ để ra những ngư trường mới, khai thác những đối tượng mới. Các mô hình cải tiến ngư cụ như cải tiến lưới kéo đôi, cải tiến lưới vây ngày kết hợp vây đêm, mô hình khai thác kiêm nghề, mô hình khai thác bằng lồng bẫy… đã giúp ngư dân khai thác có hiệu quả, nâng cao sản lượng và khai thác chọn lọc các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Dự án đã thực hiện tại xã NTM là Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với 2 hộ tham gia 2 tàu Khai thác hải sản xa bờ.
3.4. Chuyển giao TBKT về lâm nghiệp
- Trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu
Dự án trồng rừng thâm canh thuộc chương trình trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu trong 3 năm 2011-2013 đã xây dựng được trên 4.300 ha mô hình trình diễn cây nguyên liệu gồm có các loài cây mới: Keo tai tượng có xuất xứ từ Úc, Keo lai, Bạch Đàn lai, bạch đàn Uro, xoan ta tuyển chọn cho năng suất cao trên địa bàn các tỉnh Miền núi phía bắc, Miền trung và Tây nguyên với số hộ tham gia 3275 hộ. Các loài cây này trước đây thời gian thu hoạch từ 8-10 năm thì nay chỉ còn 5-7 năm cho một chu kỳ trồng rừng nguyên liệu thâm canh, năng suất rừng tăng từ 10-15%. Dự án đã thực hiện 20 ha với 25 hộ tham gia tại xã NTM Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá).
- Trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn
Các dự án của chương trình trồng rừng gỗ lớn (Dự án trồng cây phân tán thâm canh, Dự án trồng cây gỗ lớn thâm canh), những dự án này đã xây dựng trên 2.200 ha mô hình trình diễn, với trên 1850 hộ tham gia để trồng thâm canh cây gỗ lớn bao gồm các loài cây mọc nhanh, cây bản địa cụ thể như Lát hoa, Keo tai tượng, Xoan ta, Gáo, Giổi xanh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên với các phương thức trồng khác nhau nhằm góp phần cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho chế biến, xuất khẩu. Dự án đã nâng cao nhận thức cho 2700 hộ dân về giá trị của cây gỗ lớn phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong đó có 26 ha với 40 hộ tham gia tại của xã NTM tại xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
3.5. Chuyển giao TBKT về khuyến công
- Xây dựng 79 mô hình máy gặt đập liên hợp, bao gồm:
+ Máy gặt đập liên hợp mini (chiều rộng cắt 1.000mm) thực hiện ở các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn: tăng năng suất lao động 14-18 lần, giảm chi phí thu hoạch 35-40%, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 3%.
+ Máy gặt đập liên hợp mini (chiều rộng cắt 1.300mm-2.000mm) thực hiện ở các tỉnh trung du và đồng bằng: tăng năng suất lao động 32-75 lần, giảm chi phí thu hoạch 32-35%, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn dưới 2%.
- Xây dựng 67 mô hình máy làm đất đa năng cho các tỉnh miền núi: tăng năng suất lao động 11-15 lần, giảm chi phí làm đất 28-32%.
Mô hình Máy gặt đập liên hợp và máy làm đất thực hiện ở các xã NTM: xã Thông Nguyên, Hoàng Xu Phì (1 máy gặt, 9 hộ tham gia), xã Phương Thiện TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang (10 máy cày, 10 hộ); các xã Thanh An, Thanh Xương, Lọng Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, tổng số 3 máy gặt đập liên hợp với 15 hộ tham gia. Ngoài ra cón các xã NTM tham gia thực hiện ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, nam Định, Ninh Bình.
- Xây dựng 87 mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía (59 mô hình cơ giới hóa khâu làm đất chăm sóc mía, 28 mô hình cơ giới hóa khâu nâng xếp mía), trên diện tích 3.800ha, số hộ tham gia 4.350 hộ, đào tạo ngoài mô hình: 2.610 người, thông tin tuyên truyền: 6.960 người, 46 bản tin, bài về mô hình, giảm chi phí sản xuất 30-35%, tăng năng xuất lao động, chủ động trong sản xuất. Dự án đã thực hiện ở 17 xã NTM thuộc 10 tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đồng Nai, Kon Tum, Đăk Lắc. Bình Nghi, huyện tây Sơn, Bình Định là xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân, Thanh Hoá đạt 14/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 7 đến 10 tiêu chí NTM.
4. Thực hiện các nội dung khác:
Hoạt động khuyến nông thông qua thực hiện các dự án và XDMH trình diễn đã chú ý và quan tâm đến hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn, hướng dẫn cách làm ăn để thoát nghèo bền vững, nhằm thực hiện nhiệm vụ khuyến nông tham gia xoá đói giảm nghèo.
Hệ thống khuyến nông các cấp tích cực vận động nông dân thực hiện các nội dung tiêu chí khác như: Thực hiện nếp sống văn hoá, sinh đẻ có kế hoạch (năm 1996-2000), thực hiện tinh thần đoàn kết lối xóm để hình thành nhóm hộ sản xuất, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng đời sống văn hoá mới.
Tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng kênh mương, hệ thống thuỷ lội phục vụ tưới tiêu, đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn phục vụ cơ giới hoá sản xuất.
Hoạt động khuyến nông về thông tin tuyên truyền và đào tạo, huấn luyện nhằm tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật mới, các điển hình tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, thoát đói nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững, có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giúp người nông dân nắm bắt và áp dụng tốt các tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp, chủ động, phù hợp với điều kiện hiện có để phát tiển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đủ sức cạnh tranh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá với quy mô vừa và lớn. Bên cạnh việc đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội, hoạt động khuyến nông còn giúp người sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, khai thác và sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả.
Trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông luôn dựa trên các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, dự án khuyến nông đã được Bộ phê duyệt, gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần ổn định chính trị, xã hội. Chuyển giao tiến bộ KHKT đảm bảo thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Ngành, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao.
III. Kiến nghị và đề xuất
- Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM là nội dung toàn diện và triệt để nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, từ đó hoạt động khuyến nông các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng TBKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống.
- Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông ở cả Trung ương và các địa phương hiện nay còn hạn chế, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa cho hoạt động khuyến nông góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập và XD NTM.
- Theo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao hệ thống khuyến nông tham gia thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đề nghị các cấp cần giao cho hệ thống khuyến nông thực hiện nhiệm vụ này.
- Tăng cường hợp tác và phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM và Cục Kinh tế hợp tác và PTNT trong việc chia sẻ các thông tin về chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tình hình triển khai thực hiện và kết quả xây dựng NTM để tuyền trên Bản tin, trang web KNVN và các kênh tuyên truyền KN trên các cơ quan báo, đài TW của TTKNQG.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất. Tiến dần tới sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, các phương tiện truyền thông đại chúng để phát triển hệ thống đào tạo từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng tăng của người nông dân.
- Chú trọng phương pháp và hoạt động đào tạo khuyến nông cho người nghèo, đặc biệt đồng bào dân tộc ít người và phụ nữ…
- Ưu tiên hợp lý một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp xây dựng nông thôn mới cấp xã để phục vụ hoạt động khuyến nông tại chỗ như xây dựng mô hình sản xuất, tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập các địa phương khác.
- Hàng năm tổ chức sơ tổng kết các chương trình XD NTM để đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc với phong trào để động viên khích lệ.
Nguồn khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn