Hút vốn ODA vào nông nghiệp: Sẵn sàng cho giai đoạn mới
Nguồn ODA của Việt Nam sau 2015 sẽ vẫn được duy trì, thậm chí có khả năng khối lượng còn có thể tăng lên so với thời kỳ trước đây. Tuy nhiên, về cơ cấu và chính sách viện trợ cũng có những thay đổi nhất định, trong đó khối lượng vốn vay ODA kém ưu đãi có khả năng sẽ tăng lên.
Nặng tâm lý ODA được cho không
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua 20 năm (giai đoạn 1996 - 2015), tổng lượng vốn ODA huy động trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào khoảng hơn 6 tỷ USD, chiếm khoảng 7-8% tổng ODA cả nước, góp phần đáng kể thúc đẩy, thay đổi bộ mặt của ngành nông nghiệp.
Trong đó, thủy lợi chiếm tỷ lệ ODA cao nhất với 45%, tiếp theo là nông nghiệp (21%), phát triển nông thôn (15%), lâm nghiệp (15%) và ít nhất là thủy sản chỉ với 4%.
Ngân hàng Phát triển Châu Á là nhà tài trợ có vốn lớn nhất cho ngành nông nghiệp, chiếm 26%, tiếp đó là Ngân hàng Thế giới (WB) 25%...
Theo ông Long, nguồn vốn ODA trong 20 năm qua đã song hành và đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, như xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, giao thông nông thôn, hoàn thiện thể chế… phát huy nội lực trong nước và tăng vị thế của ngành nông nghiệp trên trường quốc tế.
Điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay ODA trong nông nghiệp, ông Cao Văn Đà, huyện Phú Ninh, Quảng Nam là một trong những người tiếp cận Dự án Tài chính nông thôn do WB tài trợ cho Việt Nam cho biết: “Tôi đã vay 2,5 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng với mục đích đầu tư mở rộng trang trại nuôi gà quy mô lớn cung cấp cho hệ thống CP (hãng CP của nhà đầu tư Thái Lan).
Sau khi vay vốn đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại và xử lý môi trường, tôi có 3 khu trang trại, mỗi khu nuôi bình quân 12.000 con gà/lứa. Thu nhập bình quân 600 triệu/năm”.
Tuy nhiên theo ông Long, bên cạnh những thành công, quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA cho lĩnh vực NN&PTNT còn một số hạn chế cơ bản như chưa hoàn thiện thông tư sửa đổi về quản lý thu hút ODA vào ngành (sửa đổi Thông tư 49), trình độ và kinh nghiệm quản lý của các cán bộ dự án chưa cao; công tác quản lý, đánh giá, giám sát dự án còn chưa chặt chẽ…
"Việc sử dụng ODA cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa hiệu quả do ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ, nhiều người còn có tâm lý bao cấp, coi ODA là thứ cho không, Chính phủ vay, Chính phủ phải trả nợ nên chưa nhận thức đúng trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này” - Ông Long nói.
Ưu tiên dự án giảm nghèo, trồng rừng
Ông Long dự báo, nguồn ODA của Việt Nam sau 2015 sẽ vẫn được duy trì, thậm chí có khả năng khối lượng còn có thể tăng lên so với thời kỳ trước đây. Tuy nhiên, về cơ cấu và chính sách viện trợ cũng có những thay đổi nhất định, trong đó khối lượng vốn vay ODA kém ưu đãi có khả năng sẽ tăng lên.
Do đó, tiếp tục huy động, quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA lãi suất ưu đãi và đón đầu việc huy động vốn ODA lãi suất kém ưu đãi là giải pháp tiên quyết, góp phần thu hút nhiều nguồn vốn hơn phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Theo đánh giá của WB, để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam cần nỗ lực chuẩn bị các chương trình và dự án đã được cam kết vốn để ký kết Hiệp định nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn kể cả song phương và đa phương từ nguồn vốn không hoàn lại, vốn vay với lãi suất ưu đãi cho đến khi các nhà tài trợ có chính sách mới; đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA đang triển khai…
Trong đó tập trung cho các nguồn vốn không hoàn lại hoặc vay ưu đãi cho các dự án về xoá đói giảm nghèo, các dự án ở các vùng nghèo, khó khăn, và các dự án trồng rừng.
Ngoài ra, Nhà nước cần yêu cầu các DN thực hiện các dự án ODA dành tỷ lệ vốn thích đáng để phát triển vùng nông nghiệp phụ cận các dự án trên và xem đây là điều kiện cam kết để đầu tư nhằm đảm bảo vùng liên kết công - nông.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn