Năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện Phú Xuyên đạt 1.908 tỷ đồng, đạt hơn 98% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị vụ đông ước đạt 125 – 130 tỷ đồng. Vụ Xuân này, toàn huyện đã gieo trồng được 9.300ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó diện tích lúa Xuân là 8.550ha.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình mới như: Gieo sạ lúa 120ha, gieo mạ khay cấy bằng máy là 1.002ha. Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 950ha ở 5 xã (Phượng Dực, Đại Thắng, Tri Trung, Chuyên Mỹ, Hoàng Long); mô hình lúa – cá 20ha ở Chuyên Mỹ, mô hình sản xuất nấm ăn ở xã Phượng Dực và Hồng Thái, mô hình lợn siêu nạc ở xã Hồng Thái, mô hình bò sinh sản và bò thịt ở xã Quang Lãng… Các mô hình đều đạt hiệu quả cao, đặc biệt là mô hình gieo mạ khay cấy bằng máy đã tiết kiệm chi phí 3 triệu đồng/ha và tăng năng suất từ 800 – 1.200kg thóc/ha so với gieo cấy bằng tay.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm hỏi công việc của các hộ sản xuất đồ gỗ khảm trai tại xã Chuyên Mỹ.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến thời điểm này, UBND huyện đã phê duyệt Đề án xây dựng NTM huyện Phú Xuyên giai đoạn 2011 – 2020. Huyện cũng đã phê duyệt đề án và đồ án quy hoạch của 26/26 xã, đạt 100%, đúng với kế hoạch của thành phố. Toàn huyện có 27/28 xã, thị trấn xây dựng được khu tập kết rác thải; bê tông hóa được 27,3km đường trục xã, hơn 63km đường trục thôn và 21km đường nội đồng. Đến nay, Phú Xuyên có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 4 xã đạt 9 – 11 tiêu chí, 13 xã đạt 7 – 8 tiêu chí, các xã còn lại đạt 4 – 6 tiêu chí.
Về nâng cao đời sống nông dân, huyện đã chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội. Chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Đề án phát triển rau an toàn; hoa, cây cảnh. Đề án cơ giới hóa nông nghiệp. Thực hiện tốt chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Phối hợp với Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn Hà Nội lắp đặt 2.500 thiết bị lọc nước cho các gia đình chính sách; thực hiện xóa 518 nhà dột nát, vận động ủng hộ quỹ người nghèo được hơn 4,4 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Phú Xuyên đã kiến nghị UBND TP cho phép xử lý và thu tiền đối với các hộ lấn chiếm đất xen kẹt trong khu dân cư và các trường hợp bán hoặc giao đất trái thẩm quyền. Bên cạnh đó, huyện đề nghị TP xây dựng 3 nhà máy nước sạch, cho phép huyện thu hồi và tổ chức đấu giá diện tích đất dưới 5.000m2, sớm triển khai thu hồi đất xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung tại Quang Lãng, Tri Thủy và giao cho huyện làm điểm trong việc thực hiện đề án cơ giới hóa nông nghiệp…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động vào cuộc của huyện trong việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trong thời gian tới, Phú Xuyên cần tập trung vào công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh vào những kết quả đã làm được ở Chương trình 02; kinh nghiệm và cách làm hay trong công tác dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế của các xã Văn Hoàng, Đại Thắng, Chuyên Mỹ… Tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân thực hiện tốt cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Ngoài ra, Phú Xuyên có nhiều làng nghề, do vậy, cần tuyên truyền cho bà con ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. Những nơi có nhiều làng nghề, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường sớm triển khai quy hoạch làng nghề. Tích cực tuyên truyền cho bà con nhân dân thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về xây dựng đời sống văn hóa.
Về những đề xuất của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp giúp huyện tháo gỡ khó khăn về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý và thu tiền đối với đất giao trái thẩm quyền… Các sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, NN&PTNT cần tạo điều kiện giúp huyện về nguồn vốn và thực hiện các chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM.
Trước đó, vào đầu giờ sáng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đi thăm một số hộ sản xuất tại làng nghề khảm trai và công tác dồn điền đổi thửa tại các xã Nam Phong, Chuyên Mỹ.
Hoàng Quyết