Ảnh minh hoạ
Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đổi mới công tác quản lý, sử dụng tái cơ cấu đầu tư công. Nội dung này phải được quán triệt ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tính toán, cân đối ngân sách nhà nước trong trung hạn, bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ và các khoản chi khác. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải tính toán kỹ, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện 2 chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc kiên quyết cắt giảm các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình thực sự cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan được giao chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương xây dựng báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư gửi các cơ quan chức năng theo đúng tiến độ quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014.
Về triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015 ở mức cao nhất; khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, tập trung đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, sát với thực tiễn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế, trong thực hiện 3 đột phá lớn và bảo đảm các cân đối vĩ mô...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 và cần đặc biệt chú ý đến công tác dự báo bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung này trong văn bản hướng dẫn của Bộ đối với các bộ, ngành và địa phương khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Theo Báo điện tử Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn