Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều chuyên gia kinh tế lừng danh trên thế giới và trong nước đều khuyên Việt Nam nên quan tâm đến thị trường nội địa.
Một thị trường hơn 80 triệu dân luôn là nguồn tài nguyên, là sức sống mãnh liệt, là sự bảo đảm bằng vàng cho bất cứ một dòng chảy hàng hóa nào. Việc khai thác thị trường nội địa đã giúp cho nhiều quốc gia giữ vững tăng trưởng kinh tế “dương” trong thời gian qua chính vì lẽ đó.Sáng kiến “Hàng Việt về quê” là của Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức. Từ chỗ chỉ có hơn 10 doanh nghiệp tham gia phiên chợ đầu tiên vào đầu năm 2009, đến nay, phiên chợ Hàng Việt về nông thôn thứ 101 đã có đến hơn 50 doanh nghiệp tham gia, trên 85% là doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng chỉ trong 2 ngày…
Chỉ lúc này, nhiều doanh nghiệp mới ngã ngửa ra rằng, hàng hóa và thương hiệu của mình được bà con ngưỡng mộ từ lâu mà không biết tìm mua ở đâu. Các nhà nghiên cứu thị trường khám phá thêm rằng, những khao khát và tình cảm của người dân nông thôn Việt Nam đối với hàng Việt Nam mãnh liệt hơn mình tưởng.
Câu chuyện này khiến nhiều người nghĩ đến nguyên lý 20-80 trong kinh doanh. Đại thể của luận thuyết này là khuyên các nhà kinh doanh phấn đấu làm ra hàng hóa dịch vụ phục vụ 20% khách hàng thường xuyên thì sẽ thu được 80% lợi nhuận.
Lý thuyết thì như vậy nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn này và thực tế “Hàng Việt về quê” như đã nêu trên thì lại thấy câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” của các cụ xưa lại rất đúng.
Nguyễn Minh Vân
theo baocongthuong