Ðường làng xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ được bê-tông hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ÐỨC ANH |
Gần ba năm qua, thành phố đã chọn 19 xã ở 19 huyện, thị xã để làm điểm xây dựng NTM. Kết quả giai đoạn làm điểm đã cơ bản thành công. Xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) được Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM trung ương chọn làm điểm, khi bắt đầu xây dựng NTM chỉ đạt 1/19 tiêu chí, nay đã đạt 18/19 tiêu chí. 18 xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 17 tiêu chí. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM của thành phố đạt hơn 4.600 tỷ đồng, trong đó, 713 tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp; nhân dân đóng góp 242 tỷ đồng và hàng nghìn m2 đất, hàng chục nghìn ngày công lao động. Khu vực ngoại thành Hà Nội có những chuyển biến rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực. Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện...
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM cũng nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc. Tại các địa phương, nguồn lực xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Chủ tịch UBND xã Mai Ðình (Sóc Sơn, Hà Nội) Lê Ðăng Minh cho biết: Là một trong những xã làm điểm của thành phố, nhưng xã rất khó hoàn thành đúng tiến độ. Ðề án xây dựng NTM của xã Mai Ðình có tổng kinh phí đầu tư gần 253 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, huyện, xã, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn huy động đóng góp của nhân dân. Nhưng đến thời điểm này, nguồn kinh phí từ ngân sách chưa được cấp đủ, trong khi sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân rất hạn chế. Vì thế, xã mới hoàn thành 12 tiêu chí, bảy tiêu chí còn lại chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Tương tự, một số xã tại huyện Ðông Anh, huyện Gia Lâm tuy quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện được nhiều công trình vì chưa có kinh phí. Một số doanh nghiệp cho biết, mặc dù ý thức được rằng đầu tư vào các công trình, dự án xây dựng NTM là trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng góp với xã hội, nhưng thành phố cần tháo gỡ vướng mắc về nhiều thủ tục hành chính khi tham gia vào lĩnh vực này.
Ðể khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 có hơn 40% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn NTM, thời gian tới, thành phố tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm tốt công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thực hiện xây dựng NTM. Tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, trong đó có trách nhiệm của các sở, ngành. Các địa phương cần bố trí ngân sách đầu tư cho công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư phát triển giao thông, các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các xã phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu... Mặt khác, thành phố nên sớm có cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM theo hình thức các BOT và BT.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn