Quảng Trị thực hiện hỗ trợ có chọn lọc các DN làng nghề nâng cao khả năng cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm
CôngThương - Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, hoạt động khuyến công đã dần đi vào nề nếp và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của địa phương.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã có 10 làng nghề, ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, chè Vằng, tiêu Cùa, rượu Xika... đã có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Tổ chức hoạt động đào tạo khởi sự doanh nghiệp (DN), nâng cao năng lực quản lý cho trên 220 lượt người, chủ yếu là các DN, cán bộ quản lý các cơ sở CNNT, cán bộ làm công tác khuyến công theo các chuyên đề về khởi sự, quản trị DN, quản lý tài chính, tiếp thị sản phẩm, sản xuất sạch hơn. Tổ chức 8 đoàn đi khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu các mô hình sản xuất trong nước cho các cơ sở CNNT trên địa bàn; tổ chức các hội thảo chuyên đề phục vụ phát triển ngành về tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DN Quảng Trị; phát triển ngành cơ khí, làng nghề - ngành nghề TTCN, công nghiệp hỗ trợ…
Trong giai đoạn 2004 - 2013, kinh phí khuyến công của tỉnh và quốc gia được bố trí là 14.424,3 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh là 12.161,5 triệu đồng (chi cho bộ máy làm công tác khuyến công và xúc tiến thương mại của tỉnh là 3.404,9 triệu đồng, chi cho sự nghiệp khuyến công là 8.756,7 triệu đồng) và nguồn vốn từ trung ương hỗ trợ là 2.263 triệu đồng. |
Đến nay, khuyến công đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 3.740 lao động nông thôn tại các cơ sở CNNT, với kinh phí hỗ trợ 2.606,7 triệu đồng. Từ nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 78 đề án đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất; xây dựng 23 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ thực hiện 12 đề án xây dựng và đăng ký nhãn mác, thương hiệu cho một số sản phẩm truyền thống, sản phẩm chủ yếu của địa phương. Kinh phí thực hiện cho chương trình này là 3.798 triệu đồng, thu hút các chủ cơ sở CNNT tham gia thực hiện trên 91.000 triệu đồng. Tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Kết quả có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và 16 sản phẩm tham gia bình chọn khu vực miền Trung -Tây Nguyên.
Để phát huy hiệu quả công tác khuyến công, theo ông Nguyễn Văn Trình - Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, trong thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các nội dung hoạt động khuyến công theo chương trình, kế hoạch giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh từng địa phương và công tác bảo vệ môi trường. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các làng nghề, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ có chọn lọc DN trong làng nghề để làm đầu tàu phát triển CNNT đi đôi với việc hình thành các hội ngành nghề, tạo sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất của ngành nghề nông thôn tại làng nghề; đồng thời có chính sách thu hút các nghệ nhân tham gia hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống…
Hồng Dương
Nguồn baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn