Lào Cai nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới
Thứ tư - 30/10/2013 09:48
Không thể phủ nhận, khi xây dựng được các vùng sản xuất ngô, chè, dứa, lúa đặc sản, chuối cấy mô, hoa, rau sạch, câu ăn quả ôn đới… mang tính hàng hóa, đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa (giai đoạn 2011 - 2015) của tỉnh Lào Cai đã có những thành công nhất định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng nghìn hộ dân, góp phần không nhỏ vào các tiêu chí phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới. Song, đi đôi với quá trình phát triển đó vẫn còn những “lỗ hổng” trong quản lý và tổ chức sản xuất dẫn đến tình trạng thiếu bền vững ở các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa tại Lào Cai.
* Thiếu tính bền vững
Thực tế chứng minh trong các năm 2008, 2009, 2012, nông dân tại các huyện Mường Khương và Bắc Hà của Lào Cai luôn gặp phải những mùa dứa "đắng", mận "đắng". Thảm cảnh “được mùa, rớt giá” lặp đi, lặp lại và người nông dân vùng cao Lào Cai chưa kịp mừng với mùa vụ thu hoạch thắng lợi năm trước, đã phải gồng mình tính toán gánh nặng thất thu ở mùa vụ sau.
Còn ở góc độ liên kết, hợp tác thiếu chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Có một thực tế là khi nông dân thiếu vốn sản xuất, không thể tự mình tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm, thì luôn muốn được sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước, của doanh nghiệp. Nhưng đôi khi, chỉ vì những lợi ích nhỏ, nông dân sẵn sàng bỏ rơi doanh nghiệp, không cần biết đến hệ lụy chữ tín làm ăn lâu dài. Thực tế này được chứng minh rõ nhất ngay ở vụ sản xuất chè năm nay. Công ty Chè Phong Hải được tỉnh Lào Cai giao quản lý và phát triển vùng chè Bảo Thắng. Cùng nhân dân mở rộng đồi chè, Công ty đã có nhiều hình thức hỗ trợ bà con trước khi bước vào vụ chè mới, bán chịu phân, đạm, cung cấp cây giống…
Thế nhưng trong vụ sản xuất chè 2013 này, khi các cơ sở chế biến chè tư nhân ở huyện Bảo Thắng mọc ra nhan nhản, cạnh tranh việc thu mua nguyên liệu với Công ty Chè Phong Hải. Ngay lập tức, nhiều hộ dân trồng chè ở Bảo thắng đã quay lưng lại với đối tác làm ăn lâu dài của mình, bán toàn bộ chè thu hoạch được cho các cơ sở chế biến chè của tư nhân. Trước thực trạng này, ông Phạm Huy Hòa, Phó giám đốc Công ty Chè Phong Hải cho biết: bà con chỉ thấy được cái lợi nhỏ trước mắt, làm khó cho doanh nghiệp, mà không thấy được cái lợi trong sự cam kết làm ăn lâu dài với Công ty chính là điều kiện tiên quyết để phát triển vùng chè bền vững, góp phần nâng cao ổn định thu nhập của người dân bản địa.
Bên cạnh đó, minh chứng về sự buông lỏng bàn tay quản lý thị trường, khiến người nông dân luôn thua thiệt và các vùng sản xuất hàng hóa nông sản của tỉnh Lào Cai thiếu bền vững có thể bắt gặp ngay trong lĩnh vực chăn nuôi của năm nay. Chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát, khó khăn chung của nền kinh tế, liên tiếp trong những tháng đầu năm 2013, giá thành thức ăn chăn nuôi gia súc cả nước và Lào Cai liên tục tăng cao với mức tăng từ 30 - 50% so với cùng thời gian trước đó. Theo lẽ tất nhiên, khi chi phí đầu vào tăng cao thì sản phẩm bán ra phải tăng tương ứng. Nhưng nghịch lý đã xảy ra, trong suốt nửa đầu năm nay, giá thành lợn hơi lại rớt xuống ở mức thảm hại. Một kilôgam lợn hơi chỉ được thương lái định giá thu gom 31.000 - 32.000 đồng. Thậm chí tại nhiều địa phương, tư thương ép giá quá thấp, người chăn nuôi không thể bán dù lợn đã đến kỳ xuất chuồng. Điều này dẫn đến thảm cảnh, bà con không thể tái đàn vì thiếu vốn, vì càng chăn nuôi thì càng thua lỗ.
Ông Trần Đức Thống, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: Điều đáng nói ở đây, là khi giá thành lợn hơi ở mức đáy, thì trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ trung tâm của Tp. Lào Cai (nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn nhất), giá thịt lợn thương phẩm không hề hạ, vẫn đứng bình quân ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. Những tư thương mặc sức mua rẻ tận gốc, bán đắt tận ngọn mà không hề phải chịu sự chi phối, quản lý nào của các cơ quan quản lý thị trường. Với sự buông lỏng quản lý nhà nước này, lợi ích đều rơi cả vào khâu trung gian, trong khi đối tượng thua thiệt nhất trước hết là những người nông dân một nắng hai sương và người tiêu dùng lâu nay vẫn luôn bị “đánh úp” bởi những lần tăng giá vô tội vạ.
* Gỡ khó…
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo đó, trên lĩnh vực quản lý nhà nước, hàng năm, các cơ quan quản lý Nhà nước theo chuyên môn sẽ công bố quy hoạch sản xuất theo từng loại hàng hóa nông sản cụ thể cho từng vùng, khu vực. Đồng thời sẽ có số liệu chính xác về sản lượng, dự báo thị trường từng loại hàng hóa để đưa ra chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng.
Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, cho rằng: cách làm này sẽ giúp nông dân không phải “tự mò”, phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho thương lái; không phải thay đổi cây trồng như thay áo, “nay trồng lúa, mai đào ao nuôi tôm, ngày kia lấp ao trồng lúa”. Từ góc độ chuyên môn sâu của mình, ngành nông nghiệp sẽ cảnh tỉnh các cấp quản lý và nông dân, không gượng ép, duy ý chí đối với những loại cây trồng, vật nuôi không phù hợp với đồng đất Lào Cai. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học thông qua các dự án, mô hình trình diễn đầu bờ để nông dân tiếp cận được với những loại cây, con giống mới.
Bên cạnh đó, nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng sản xuất nông sản của tỉnh, nghành nông nghiệp Lào Cai đã và đang khuyến khích bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản. Theo đó, khuyến khích nông dân tiếp tục mở rộng các đồi chè theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia súc an toàn, sạch bệnh; sản xuất rau an toàn… Các đơn vị quản lý chuyên môn cũng không quên khuyến cáo nông dân cần tuân thủ luật chơi, không quá ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, không vì lợi ích nhỏ trong một mùa vụ mà bỏ đi cái lợi lớn cam kết làm ăn lâu dài với doanh nghiệp khi tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đặc biệt, để tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, các địa phương đã tính toán đến việc xây dựng những cánh đồng liên kết. Trong đó hai nhóm chủ thể bao gồm: nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của mô hình. Cụ thể, trong liên kết, người dân cùng trồng một loại giống, cùng thời vụ, phương thức canh tác như nhau. Doanh nghiệp phải tính đến việc xây dựng vùng nguyên liệu cho mình, có xuất xứ hàng hoá, có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quan trọng là phải gắn bó với người nông dân. Tất cả các hoạt động tổ chức sản xuất này đều có sự tham gia chỉ đạo và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Khi bàn tay nhà nước, bàn tay doanh nghiệp và bàn tay nông dân cùng siết chặt, thì các vùng sản xuất nông sản của địa phương mới thực sự mang tính bền vững, thực sự là lực đẩy giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.