Sáng 3.12, tại TP.Đà Nẵng, T.Ư Hội NDVN, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo truyền thông vận động cho cán bộ tỉnh, huyện của 2 hội tại các tỉnh khu vực miền Trung về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS).
Theo số liệu thống kê, riêng khu vực nông thôn, giai đoạn từ năm 2006 – 2011, tỷ số GTKS luôn cao hơn mức chung (107) và ở mức cao đáng báo động: Năm 2006 là 110, năm 2007 là 113, năm 2008 là 111,4, năm 2011 là 111,1.
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở khu vực nông thôn đang ở mức rất cao (ảnh minh họa). |
Một thực trạng đáng lo khác, trong khi khu vực thành thị có sự lựa chọn GTKS ở lần sinh đầu thì ở khu vực nông thôn việc lựa chọn giới tính xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi và thường rất cao cho đến lần sinh thứ ba. Theo thống kê năm 2011, nếu tỷ số GTKS ở lần sinh thứ nhất của khu vực nông thôn chỉ 107,4 (thành thị là 115,6) thì ở lần sinh thứ hai và thứ ba đã tăng tên 112,6 và 119,4 (trong khi thành thị là 110,2 và 120,8).
Theo ông Nguyễn Năng An – Phó Vụ trưởng Vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng GTKS, nhất là ở khu vực nông thôn. Theo ông An, Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng có con trai nối dõi tông đường. Người già không có lương hưu hay trợ cấp xã hội nhưng thường có quan niệm nếu có con trai sẽ có người phụng dưỡng, chăm sóc về sau. Ngoài ra, do nhu cầu phát triển kinh tế hộ, ở nhiều vùng nông thôn các hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, khai khoáng, đi biển… đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới.
Xuân Trang
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn