Hạ tầng tốt
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá Nguyễn Ngọc Sắc, Trưởng BCĐ xây dựng NTM của huyện, cho biết, Hướng Phùng là một trong 4 xã điểm xây dựng NTM của huyện. Sau gần hai năm triển khai thực hiện, Hướng Phùng đã đạt được nhiều tiêu chí.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của huyện nên xã đã khởi công xây dựng được trường THCS có vốn đầu tư 4,7 tỉ đồng, xây dựng Trạm y tế có vốn đầu tư 3,9 tỉ đồng, khởi công làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông có vốn 2 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn xây dựng khu hành chính cho xã Hướng Phùng đã hơn 11 tỉ đồng.
Hướng Phùng đang có một sự thay đổi lớn nhất, đáng tự hào hơn hết với các xã ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Theo ông Nguyễn Ngọc Sắc, điều làm cho Hướng Phùng phát triển nhanh như vậy nhờ có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân.
Trong ngày lễ phát động xây dựng tuần lễ NTM, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Đang và nông dân Hồ Loang đã tự nguyện hiến gần 1 ha đất có trị giá 100 triệu đồng để lấy mặt bằng xây dựng công trình hạ tầng. Không những chỉ có hai người trên, ở Hướng Phùng có rất nhiều người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng, mở rộng các công trình đường giao thông nông thôn.
Cà phê là cây mũi nhọn ở xã Hướng Phùng
Có vị trí khá thuận lợi là đường Hồ Chí Minh chạy dọc qua nhiều thôn, bản của xã nên đã sớm tạo cho Hướng Phùng một lợi thế trong giao thông so với các xã miền núi khác. Vì thế hoạt động giao lưu, buôn bán thương mại - dịch vụ ở đây diễn ra rất năng động.
Bí thư Đảng uỷ xã Hướng Phùng Hồ Thanh Bình, cho biết: “Chỉ mới hai năm cà phê được giá mà cuộc sống của người dân đã thay đổi hẳn, xã có hơn 150 hộ thoát nghèo, hàng trăm hộ khác đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại, cả xã có trên 22 chiếc xe ô tô sang trọng, gần 25% số hộ dân có cuộc sống giàu có".
SX đa dạng
Theo ông Nguyễn Ngọc Sắc, điều đáng ghi nhận trong công tác xây dựng NTM ở Hướng Phùng là tổ chức SX tốt. Đổi mới nhận thức, cung cách làm ăn, người dân Hướng Phùng đã biết đa dạng hoá cơ cấu cây trồng để hạn chế rủi ro. Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu họ vẫn chú trọng đầu tư cây sắn, cây ngô và nhiều loại cây ăn quả khác.
Trong SXNN thì bà con chọn trồng cà phê XK là cây mũi nhọn. Cả 9 thôn, bản ở đây sớm học tập đồng bào miền xuôi, phát triển cây cà phê. Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Đang cho biết, có 75% hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều trồng cà phê và đưa diện tích cà phê toàn xã lên trên 1.500 ha, mỗi năm cho sản lượng trên 15.000 tấn, với giá cả thu mua ngay tại rẫy trên 10.000 đồng/kg quả tươi, doanh thu từ cà phê của Hướng Phùng đạt giá trị gần 150 tỉ đồng/năm.
Khi diện tích lúa nước được mở rộng cùng với việc đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp thì chẳng bao lâu vùng đất này sẽ trở nên giàu có, phồn vinh, Hướng Phùng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. |
Cây cà phê không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà đã làm thay đổi số phận của rất nhiều người, từ nghèo khổ vươn lên trở thành những người giàu có, no đủ, trong đó có không ít hộ đồng bào Vân Kiều như Hồ Mời ở thôn Doa Cũ, Hồ Pan ở Bụt Việt, Hồ Trung Xanh ở Bản Cheng, Trần Đình Hạnh ở bản Mới.
Đặc biệt với việc quan tâm đầu tư khai hoang đất bằng làm lúa nước, Hướng Phùng - xã nằm giữa núi rừng Trường Sơn đã giải được bài toán lương thực tại chỗ, góp phần chấm dứt được nạn chặt phá rừng làm nương rẫy. Với gần 100 ha ruộng nước, nhờ áp dụng phương thức canh tác mới cùng với việc đầu tư thâm canh nên năng suất và sản lượng lúa ở Hướng Phùng không hề thua kém vùng đồng bằng. Nếu Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng đập dâng ở Sông Sen thì khả năng tăng thêm 60 đến 70 ha ruộng nước ở Hướng Phùng là điều không khó.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn