Sáng 12/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới họp tổng kết công tác năm 2013. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2013 công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành đã tạo động lực và định hướng cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác kiểm tra, giảm sát ở các địa phương được các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện và bổ sung đề án thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị |
Theo báo cáo, trong năm 2013, các đồng chí cố vấn và thành viên văn phòng điều phối chương trình đã đi kiểm tra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trực tiếp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tập trung kiểm tra, đánh giá 5 huyện điểm gồm K’Bang (Gia Lai), Phước Long (Bình Phước), Phú Ninh (Quảng Nam), Nam Đàn (Nghệ An) và Hải Hậu (Nam Định), kết quả kiểm tra đều đã hoàn thành công tác quy hoạch và đề án nông thôn mới; các địa phương đều dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng như đường, trường, thủy lợi..., thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm nông thôn mới do Ban Bí thư chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 30 tỷ cho 9 xã điểm của Ban Bí thư để giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt; Hỗ trợ xây dựng đề án nông thôn mới và tham gia chỉ đạo 4 xã điểm do lãnh đạo Đảng và Nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc chỉ đạo từ Trung ương hầu như mới chỉ tập trung vào cấp xã, chưa chú ý chỉ đạo huyện điểm. Vì vậy vai trò của cấp huyện trong quy hoạch, trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mởi ở cấp xã chưa thật rõ rệt.
Năm 2014, cả nước phấn đấu có 600-700 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%. Để thực hiện được mục tiêu này, các giải pháp chủ yếu được xác định là các Bộ, ngành Trung ương tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn chưa phù hợp. Tập trung đầu tư cho hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt; Cơ bản hoàn thành giao thông đến trục thôn, xóm, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; Làm chuyển biến một bước về môi trường nông thôn, đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hoá nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân. Qua thực tiễn, với 144 xã đạt 19/19 tiêu chí, chương trình đang dần trở thành hiện thực.
Về các tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát để kiến nghị điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện cho thông suốt; Bộ Kế hoạch đầu tư nắm tình hình thực tiễn về đầu tư. Nếu công trình nào có thể giao cho người dân trực tiếp tham gia xây dựng thì giao để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý đến quy hoạch sản xuất.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn