Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tuyển mới dạy nghề cho 2,15 triệu người, ở cả trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và dạy nghề dưới 3 tháng.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ LĐ-TB&XH tập trung xây dựng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực đất nước.
Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 45 trường được lựa chọn là trường chất lượng cao, nhằm hình thành mạng lưới các trường có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế công nhận.
Đào tạo nghề trình độ cao sẽ tạo ra lực lượng lao động mang tính cạnh tranh trong xu thế hội nhập. (Ảnh minh họa: KT)
Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng mạng lưới các trường chuyên biệt, với nhiệm vụ chính là đào tạo cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.
Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, trong năm 2016, chỉ tiêu tuyển sinh của Tổng cục vẫn đặt ra cao hơn năm trước, mặc dù có nhiều nhận định việc tuyển sinh học giáo dục nghề nghiệp trong thời gian sắp tới sẽ gặp khó khăn, nhưng Tổng cục cho rằng, với những trường tốt vẫn tuyển sinh được.
“Ngoài ra cũng phải tập trung để đào tạo nghề trình độ cao, ở trình độ trung cấp và cao đẳng. Nghề trình độ cao là những nghề lao động có kỹ thuật và là lực lượng lao động mang tính cạnh tranh, cho nên chúng ta phải đào tạo để lao động có trình độ ngang tầm các nước tiến tiến và trong khu vực”, ông Lân cho biết.
Năm 2015, cả nước tuyển mới dạy nghề cho hơn 2,1 triệu người, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2014. Trong đó, tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề cho 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 1,9 triệu người (dạy nghề cho khoảng 550.000 lao động nông thôn)./.
Hà Nam/VOV – Trung tâm tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn