Đông nhưng chưa mạnh
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đến hết năm 2014 cả nước có 10.446 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch phụ phục vụ nông nghiệp..., chiếm khoảng 50% tổng số HTX trong cả nước. Trong đó có hơn 70% HTX hoạt động theo mô hình kinh doanh tổng hợp, còn lại là hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong chuỗi hoạt động cung ứng các dịch vụ như giống, vật tư, phân bón, tưới tiêu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp (DN) để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên. Điển hình là HTX chăn nuôi Quý Hiền của ông Phạm Quốc Ân tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh với thị trường. HTX chính là cầu nối giữa người nông dân với các nhà khoa học, các DN cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm...
HTX trồng rừng kinh tế - du lịch sinh thái Huổi Liệp tại tỉnh Sơn La cũng là một trong những mô hình làm ăn có lãi. Tận dụng lợi thế về "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ban chủ nhiệm HTX mạnh dạn nắm bắt thời cơ huy động vốn của xã viên phát triển mô hình vừa trồng rừng vừa làm du lịch. Nhanh nhạy với thị trường, nắm bắt được cơ chế chính sách của Nhà nước, của Bộ NN và PTNT trong hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển chính là mấu chốt đem lại 10% trong tổng số HTX làm ăn có lãi.
Tuy nhiên, 90% số HTX còn lại hiện đang gặp nhiều khó khăn về công nợ, quản lý tài sản, góp vốn của xã viên khi chuyển qua mô hình HTX mới theo Luật HTX năm 2012. Đây là thực tế không thể phủ nhận do hậu quả của "bệnh thành tích", chạy theo số lượng mà quên mất những yêu cầu cần và đủ đối với một HTX. Đó là trình độ quản lý cũng như khả năng tiếp cận thông tin, hiểu biết pháp luật của cán bộ và xã viên HTX còn hạn chế do hầu hết cán bộ được giao phụ trách quản lý nhà nước về HTX từ cấp tỉnh đến cấp xã chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý nhà nước đối với HTX. Dẫn đến, khi triển khai Luật HTX, nhiều địa phương loay hoay, chưa kể dưới luật còn có đến 160 văn bản hướng dẫn, khiến cho công tác theo dõi và tổng hợp của cán bộ quản lý HTX gặp không ít khó khăn.
Cần chính sách đặc thù
Hiện nay, có một thực tế là các HTX nông nghiệp khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp càng khó khăn khi thị trường hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển, trong khi năng lực nội tại yếu, lại thiếu cơ chế hỗ trợ nên suốt nhiều năm qua vẫn chưa thể tạo nên những kỳ tích.
Đây là một thực tế đòi hỏi Chính phủ, Bộ NN và PTNT phải có những chính sách đặc thù để HTX nông nghiệp giữ vững được vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông thôn như: Hình thành Quỹ hỗ trợ HTX, thí điểm một số mô hình HTX, liên hiệp HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhất là trong nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở củng cố, đổi mới các HTX hiện có, Bộ NN và PTNT cần khảo sát, đánh giá lại thực trạng bất cập của các HTX, mạnh dạn loại bỏ các HTX kém hiệu quả, thay bằng những mô hình HTX liên doanh, liên kết. Có như vậy, HTX nông nghiệp mới trở thành "bà đỡ" của kinh tế nông thôn theo đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại hội nghị Đối thoại chính sách về HTX: HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của bốn lợi ích, đó là: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN và lợi ích các nước giao thương với Việt Nam.
Cùng khẳng định tầm quan trọng và hướng phát triển của HTX nông nghiệp, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) Ma Quang Trung cho rằng: "Từng người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ không bao giờ có sự cạnh tranh tốt với thị trường, trong xu thế hội nhập. Muốn có sản phẩm tốt, đồng đều, quản lý được chất lượng và hiệu quả, người nông dân phải hợp tác và liên kết với nhau".
Phát huy sức mạnh và tầm quan trọng của HTX nông nghiệp không chỉ là giấc mơ của các xã viên mà còn là mục đích cao nhất mà Luật HTX đang hướng đến. Và giấc mơ sẽ trở thành hiện thực nếu mối liên kết bốn nhà thật sự vững mạnh.
SƠN HÀ